5/8/13

Người tốt, người xấu

Posted  by Người Bay

Chào các bạn,
equality
Câu truyện ảnh hưởng mình mạnh nhất về yêu thương và tôn trọng người khác, kể cả những người mình cho là xấu xa nhất, là câu chuyện về thánh Phaolô trong Thánh kinh.

Phaolô có tên cũ là Saul, và vào thời Chúa Giêsu vừa bị quân La Mã hành hình, các môn đệ đi khắp nơi truyền giảng những điều Giêsu đã dạy, thì Saul là một trong những người bắt bớ bách hại những người Kitô giáo đầu tiên dữ dội nhất. Trên đường đến Damascus để tìm môn đệ của Giêsu để truy tố, Saul gặp một chớp sáng từ trời xuống quanh người, Saul ngã xuống đất và nghe tiếng: “Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ ta?” Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Ngài đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ…” (Act 9:3-5).
Saul từ đó theo Kitô giáo, đổi tên là Paul (Phaolô) thuyết giảng khắp nơi, xây nhiều giáo hội địa phương trên thế giới, viết nhiều lá thư cho tín hữu các nơi giảng dạy lời Chúa. Những lá thư đó ngày nay vẫn được đọc trong các buổi lễ, và được xem là tư tưởng thần học và quy tắc hành chánh của Kitô giáo quan trọng thứ hai, chỉ sau lời Chúa Giêsu.
Các bạn, có thể tưởng tượng là kẻ thù số một của giáo hội trở thành cột trụ quan trọng nhất cho giáo hội, ngay từ đầu cho đến cả 2 ngàn năm nay. Thực là không thể tưởng tượng được.
Thế thì có gì để nói ai là tốt ai là xấu.
Trong Phật giáo, trong một kiếp trước khi thành Phật, Phật Thích Ca đã là Bồ tát Thường Bất Khinh, không bao giờ khinh rẻ ai, gặp ai—con nít, ngưởi lớn, đàn ông, đàn bà, sang hèn tốt xấu—Bồ tát Thường Bất Khinh cũng chào: “Chào ngài, ngài sẽ thành Phật”, và thường bị lũ con nít đánh đuổi vì cho là điên.
Tốt và xấu có thể chỉ cách nhau một tích tắc, một ánh chớp từ trời.
Vậy thì sao ta có thể phân biệt kỳ thị tốt xấu về những người quanh ta.
Nếu Chúa có thể chọn kẻ thuộc hàng đại đồ tể bách hại con cái Chúa để làm rường cột hàng đầu của hội thánh Chúa, thì tôi là ai mà có thể chê người này tồi, người kia xấu?
Ai cũng sẽ thành Phật thì tôi vì cớ gì có thể chê người này tồi, người kia xấu?
Ta có thể xem mọi người như là sẽ thành Phật như mình được không? Và có thể thành Phật trước mình vô lượng kiếp?
Dù ta có phạt ai (như là thẩm phán phải tuyên án kẻ tội phạm), thì tận trong tâm khảm, hãy nhớ là Chúa có thể biến người đó thành lãnh đạo tinh thần của ta trong một chớp mắt, nếu Chúa muốn.
Và kẻ đó chắc chắn sẽ thành Phật trong một kiếp nào đó.
Và đó là ta có Tâm bình đẳng (Upeksha).
Chúc các bạn luôn có Tâm bình đẳng.
Mến,
Hoành
© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét