15/4/14

Ác mộng...34 nghìn tỷ



Khổ!
Thời buổi @ này, tình hình kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế,...trong nước, ngoài nước nóng rẫy, diễn biến khó lường, nên tôi đây, vốn ít tiền không sắm tàu bay riêng như bầu Đức được, liền nghĩ ra cách tự chế cái tàu lượn gắn vào người, để...bay đi bay đó hóng tin cho nó nhanh.
Thế là từ đó giang hồ gọi tôi đây là Người Bay. Ừ, thì Người Bay.



Mấy hôm nay bay khắp Hà Nội, đâu đâu cũng nghe bàn tán vụ 34 nghìn tỷ mà Bộ giáo dục xin Quốc hội để đổi mới sách giáo khoa. Kinh quá!
Lúc đầu đọc báo, mình cứ tưởng 34 tỷ, bỏ qua. Sau thấy ầm ĩ ngoái lại thì không tin nổi.
Mấy ông giáo sư, chuyên gia giáo dục lập tức lên tiếng, thậm chí có mấy vị đánh tiếng xin “thầu” vụ này, vỏn vẹn có 100 tỷ.

Đau đầu quá, không hiểu nổi sao chênh tận 340 lần lận. Mà mấy vị giáo sư kia có máu mặt hẳn hoi, đâu có nói chơi chơi được.
Nghĩ mãi mà không ra!

Chiều nay, nhân trời nắng đẹp, tôi bay ra ngoại thành chơi.
Ngắm đồng ngắm ruộng chán, Người Bay tôi hạ cánh xuống một gốc cây xà cừ hóng mát.
Hóa ra đằng sau đó có một lão nông đang ngồi nghỉ.
Câu chuyện qua lại, tưởng thoát được cái băn khoăn trăn trở vụ 34 nghìn tỷ, bỗng lão nông lại khơi ra.
-         Này, ông người thành phố, có biết vì sao Bộ giáo dục xin tận 34 nghìn tỷ không.
-         Chịu - Tôi gãi đầu, các cụ dạy không biết thì bảo không biết, ấy chính là biết...
-         Tôi hỏi ông nhé. Một cuộc đổi mới SGK như vậy về tới các trường học ở xã, quan chức cấp xã tòm tèm mất mỗi xã một tỷ, có ghê gớm không?
-         Ôi xời, mỗi xã một tỷ, thì có gì lớn so với thời bây giờ đâu, tính ra mỗi ông mới chỉ có vài chục, vài trăm triệu.
-         Đúng. Mà nước mình có khoảng 12 nghìn xã. Vậy là thất thoát cấp xã mất 12 nghìn tỷ rồi. Nhé!
-         Ặc ặc.
-         Từ từ. Ở cấp huyện, quan chức đã làm thinh cho mỗi xã một tỷ, vậy họ cũng được một phần tương ứng như thế. Tức mỗi xã được một tỷ, thì huyện cũng trích ra 1 tỷ. Có quá đáng không?
-         Cũng thường, win-win mà.
-         Tui không hiểu win-win là cái cóc khô gì.
-         À, là hai bên cùng thắng.
-         Rồi, nước ta có 708 huyện. Và ở cấp này cũng chung chi bằng số tiền các xã được “hưởng lộc”, khoảng 12 nghìn tỷ nữa.
-         Sặc.
-         Từ từ. Ở tỉnh, cứ tương ứng mỗi huyện thì xén bớt đi một tỷ là ít, đúng không?  Nước mình có 708 huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh. Vậy là mất toi thêm khoảng 700 tỷ nữa.
-         Ôi trời ơi. Tổng cộng đến đây là 24.700 tỷ.
-         Theo mấy ông giáo sư nói, thì làm sách giáo khoa hết cùng lắm là 100 tỷ. Vậy là thành 24.800 tỷ. Cho thêm chi phí phát sinh tròn 25 nghìn tỷ đi.
-         Vậy còn ở cấp Trung ương, tức Bộ GD, 9 nghìn tỷ nữa thất thoát ở đây hay ở đâu?
-         Tôi...tôi chịu
-         Ông thấy chưa. Nghe có vẻ là in ít một, cộng dồn lại đã ra con số  hàng chục nghìn tỷ. Bộ Giáo dục xin chắc cũng có cái “lý” của họ.

Nghe đến đây, Người Bay tôi ngất xỉu.
Lão nông dân liền bốp cho một cái.Và thế là tôi...tỉnh giấc.

À, hóa ra là một giấc mơ. Hú vía!
Mơ, mà nghĩ kỹ lại còn hoảng hồn hơn.
ÔI, 34 nghìn tỷ ơi. Vì mi mà Người Bay ta gặp ác mộng.
Nhưng thà là ác mộng còn hơn là sự thật. Huhu

Người Bay


Tâm thư gửi Quốc Hội của Gs Ts Nguyễn Đình Cống

BỨC THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI
(về việc Bộ Giáo dục chuẩn bị đổi mới sách giáo khoa )



Kính thưa các vị Đại biểu quốc hội!

Tôi vừa được tin Bộ Giáo dục trình Quốc hội xin kinh phí 34 ngàn tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa phổ thông. 
Tôi xin góp một ý kiến phân tích và phản đối.

Việc đổi mới ( hay nói đúng hơn là sửa chữa sai lầm ) nền giáo dục có nhiều công việc quan trọng phải làm, trong đó có việc đổimới chương trình ( nội dung các môn học ) và đổi mới sách giáo khoa. Tuy vậy 2 việc này chưa phải là quan trọng nhất, cấp thiết nhất và trong 2 việc đó thì đổi mới chương trình có tính chất quyết định và quan trọng hơn. Không thể, không nên biên soạn sách giáo khoa khi chưa có được chương trình ổn định, được chấp nhận. Nếu không kể những khoản tiền to lớn dùng cho việc hối lộ, tham nhũng và lãng phí, nếu biết tổ chức công việc cho có hiệu quả và chất lượng thì để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chỉ cần vài chục tỷ là cùng.

 Khi đã có chương trình, việc biên soạn sách giáo khoa phải dựa vào nó và đó là công việc của các tác giả hoặc nhóm tác giả ( theo sự lựa chon, đặt hàng, hợp đồng của Bộ, của các nhà xuất bản hoặc do các tác giả tự làm ). Trong trường hợp Bộ đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mẫu thì sản phẩm cuối cùng là “ mỗi môn học cho mỗi lớp chỉ cần 1 quyển”, quyển đó được biên soạn, được một số người có trình độ và trách nhiệm thảo luận và góp ý kiến, được một hội đồng chuyên môn xét duyệt và thông qua ( việc in ra hàng triệu bản là của Nhà xuất bản ). Biên soạn sách giáo khoa phổ thông chủ yếu là dựa vào kiến thức và kinh nghiệm sư phạm để chọn lựa và trình bày những nội dung đã có sẵn ( không yêu cầu sáng tạo nội dung mới ). 

Công sức và phần nào sự sáng tạo trong biên soạn chủ yếu là trong sự lựa chọn kiến thức, phương pháp và cách trình bày. Nếu không kể đến một khoản tiền rất lớn dùng cho tham nhũng, hối lộ và lãng phí, nếu biết tổ chức công việc hợp lý , có hiệu quả thì để biên soạn mới toàn bộ sách giáo khoa phổ thông cũng chỉ cần chưa đến 1 ngàn tỷ. Trong số 34 ngàn tỷ do Bộ Giáo dục dự trù chắc là có nhiều khoản rất lớn được ngụy trang vào việc này, việc nọ, việc kia, nhưng thực chất chắc là chỉ để tham nhũng và hối lộ, hoặc là những khoản chi tiêu quá lãng phí ( mà lãng phí là một phần tiền đề của tham nhũng ).

Tôi viết thư ngỏ này gửi Quốc hội để phản đối dự trù 34 ngàn tỷ của Bộ Giáo dục, mong Quốc hội thận trọng xem xét. Tôi cũng đã có nhiều suy nghĩ về cách làm có hiệu quả khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nếu được Quốc hội hoặc Bộ Giáo dục hỏi đến tôi xin sẵn sàng trình bày và nhận đứng ra tổ chức việc thực hiện.


Gs Ts Nguyễn Đình Cống

4/4/14

Viết cho Người Tìm Kiếm: Đi ngược những chuyến tàu đêm




Chuyện kể về một chàng trai với một cô gái, trên một chuyến tàu. Họ cùng đi về một vùng quê yên bình, chàng trai xuống trước cô gái.
Họ trò chuyện, họ tâm sự về cuộc sống của mình, rất hợp gu và thú vị...
- Anh về quê chơi?
- À vâng, tôi về thăm cha mẹ. Cha mẹ tôi muốn tôi về quê làm việc và sinh sống, nhưng tôi thích ở thủ đô hơn. Còn cô?
- Tôi à? Tôi về nhà để...lấy chồng và xin việc.
- Ồ! Vậy.
- Vâng, cha mẹ tôi muốn tôi ở gần nhà, và đã sắp xếp cho tôi kết hôn với một "Công tử" giàu có, con của một người bạn của cha mẹ tôi.
- À,...
- Và tôi sẽ từ bỏ nghề nhiếp ảnh, trở thành một nhân viên ngân hàng gần nhà.

Một cô gái duyên dáng, và đậm chất nghệ sĩ. Chàng trai trầm ngâm:" Chẳng nhẽ một cô gái duyên dáng và xinh xắn như thế này lại chuẩn bị lấy chồng ư?..."Chỉ mới lần đầu gặp, nhưng chàng đã rất cảm mến cô.

Đến ga gần nhà, chàng trai xuống để về nhà, còn cô gái vào bến chờ chuyến tàu tiếp theo sau 5 giờ nữa.
Chàng trai chào rồi bước đi. Rồi bỗng suy nghĩ: Mình không thể để cô ấy ngồi chờ tàu suốt đêm như thế được.

Chàng quay lại, và mời cô gái về nhà mình nghỉ, sáng mai sẽ đưa cô ra ga. Cô gái lưỡng lự, rồi nhìn thẳng vào mắt chàng trai, gật đầu đồng ý sau khi đọc thấy những điều tin tưởng.

Xe chờ hai người len qua những khu rừng, những cây cầu và càng lúc càng heo hút.
Cô gái chợt nghĩ: Tại sao mình lại dại dột đồng ý cơ chứ. Lỡ như...
Bỗng chiếc xe dừng trước một ngôi biệt thự.
Chàng trai bước xuống, mở cửa vào và bật sáng mọi công tắc.
- Đây là nhà tôi, bố mẹ tôi muốn tôi thừa kế nó và về ở hẳn đây.
- Nhà anh?
- Vâng.
Nó thật huy hoàng, xa hoa và sang trọng. Vậy mà anh ta từ chối sống ở đây?

Cô gái đi tắm, rồi vào nghỉ trong một căn phòng ấm áp. Chàng trai lên gác, ra ban công ngồi hút thuốc. Chàng không ngủ được, nghĩ về cô gái sắp lấy chồng.
Dưới nhà ánh đèn vẫn sáng.
Cốc cốc.
- Cô chưa ngủ à?
- Tôi không ngủ được.
- Vậy uống trà và nói chuyện được chứ.

Họ lên gác, pha một ấm trà và hàn huyên. Chàng trai liên tục thắc mắc vì sao cô lại chấp nhận lấy chồng? Còn cô gái không hiểu nổi vì sao anh ta lại từ chối về ở hẳn trong căn biệt thự sang trọng này.
- Tôi không biết, tôi chưa bao giờ cãi lời bố mẹ - Cô gái nói.
- Tôi à, phức tạp lắm, cô không hiểu được đâu. Tôi làm bạn với những người nghèo. Tôi hoạt động xã hội, làm từ thiện, xây nhà cho người nghèo, tổ chức lớp dạy trẻ em lang thang,...Tôi muốn như thế! - Đó là chàng trai nói.

Thấm thoắt, đã 4 giờ sáng. Chàng trai đánh xe chở cô gái ra ga, vào phòng chờ rồi ra về. Họ không quên trao đổi điện thoại và địa chỉ cho nhau.

Bẵng đi một thời gian, phải đến hàng năm họ không liên lạc gì. Cho đến một buổi chiều, trên đường cùng nhóm tình nguyện đi quyên góp, chàng trai gặp lại cô gái.
- Sao cô lại ở đây? Tôi tưởng cô đã về nhà và lấy chồng rồi cơ chứ.
- Sau đêm gặp anh, sáng hôm đó, tôi đã bắt chuyến tàu ngược trở lại thủ đô. Và làm những gì tôi muốn!

Cô gái nhìn chàng trai, cười tinh nghịch và như gửi lời cảm ơn.
- Giờ đây tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tôi hạnh phúc với điều đó, và bố mẹ tôi cũng cảm thấy như vậy.

Bạn ạ, trong cuộc sống, có những lúc chúng ta phải biết "bắt" những chuyến tàu ngược đêm, để có thể sống đúng với những điều mình mong muốn.

Cuộc sống của chúng ta, từ những điều nhỏ nhất, là do chính ta lựa chọn!
Chúng ta chịu 100% trách nhiệm về cuộc đời của chính mình!

P.S:
Hãy CHIA SẺ câu chuyện nhỏ này, vì nó có thể GIÚP ĐỠ được ai đó trong đêm tối.

- Đặng Duy Linh -