BỨC THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI
(về việc Bộ Giáo dục chuẩn bị đổi mới sách giáo khoa )
Kính thưa các vị Đại biểu quốc hội!
Tôi vừa được tin Bộ Giáo dục trình Quốc hội xin kinh phí 34 ngàn tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa phổ thông.
Tôi xin góp một ý kiến phân tích và phản đối.
Việc đổi mới ( hay nói đúng hơn là sửa chữa sai lầm ) nền giáo dục có nhiều công việc quan trọng phải làm, trong đó có việc đổimới chương trình ( nội dung các môn học ) và đổi mới sách giáo khoa. Tuy vậy 2 việc này chưa phải là quan trọng nhất, cấp thiết nhất và trong 2 việc đó thì đổi mới chương trình có tính chất quyết định và quan trọng hơn. Không thể, không nên biên soạn sách giáo khoa khi chưa có được chương trình ổn định, được chấp nhận. Nếu không kể những khoản tiền to lớn dùng cho việc hối lộ, tham nhũng và lãng phí, nếu biết tổ chức công việc cho có hiệu quả và chất lượng thì để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chỉ cần vài chục tỷ là cùng.
Khi đã có chương trình, việc biên soạn sách giáo khoa phải dựa vào nó và đó là công việc của các tác giả hoặc nhóm tác giả ( theo sự lựa chon, đặt hàng, hợp đồng của Bộ, của các nhà xuất bản hoặc do các tác giả tự làm ). Trong trường hợp Bộ đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mẫu thì sản phẩm cuối cùng là “ mỗi môn học cho mỗi lớp chỉ cần 1 quyển”, quyển đó được biên soạn, được một số người có trình độ và trách nhiệm thảo luận và góp ý kiến, được một hội đồng chuyên môn xét duyệt và thông qua ( việc in ra hàng triệu bản là của Nhà xuất bản ). Biên soạn sách giáo khoa phổ thông chủ yếu là dựa vào kiến thức và kinh nghiệm sư phạm để chọn lựa và trình bày những nội dung đã có sẵn ( không yêu cầu sáng tạo nội dung mới ).
Công sức và phần nào sự sáng tạo trong biên soạn chủ yếu là trong sự lựa chọn kiến thức, phương pháp và cách trình bày. Nếu không kể đến một khoản tiền rất lớn dùng cho tham nhũng, hối lộ và lãng phí, nếu biết tổ chức công việc hợp lý , có hiệu quả thì để biên soạn mới toàn bộ sách giáo khoa phổ thông cũng chỉ cần chưa đến 1 ngàn tỷ. Trong số 34 ngàn tỷ do Bộ Giáo dục dự trù chắc là có nhiều khoản rất lớn được ngụy trang vào việc này, việc nọ, việc kia, nhưng thực chất chắc là chỉ để tham nhũng và hối lộ, hoặc là những khoản chi tiêu quá lãng phí ( mà lãng phí là một phần tiền đề của tham nhũng ).
Tôi viết thư ngỏ này gửi Quốc hội để phản đối dự trù 34 ngàn tỷ của Bộ Giáo dục, mong Quốc hội thận trọng xem xét. Tôi cũng đã có nhiều suy nghĩ về cách làm có hiệu quả khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nếu được Quốc hội hoặc Bộ Giáo dục hỏi đến tôi xin sẵn sàng trình bày và nhận đứng ra tổ chức việc thực hiện.
Gs Ts Nguyễn Đình Cống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét