16/1/13

Soạn bài thuyết trình: Bản nháp đầu tiên


 



Tuy là “dân nói”, nhưng có lúc bạn phải viết, nhất là khi phải soạn ra giấy bài thuyết trình của mình. Và đương nhiên lúc này bạn sẽ gặp những chướng ngại của dân viết lách.



Làm sao viết bản nháp đầu tiên cho bài thuyết trình?

Trước tiên, phải thấy hai nguyên do gây cản trở mà dân viết thường gặp nhất, trong bối cảnh viết soạn bài thuyết trình:
1. Thiếu định hướng: bạn thiếu rõ ràng về điều bạn muốn nói.
2. Thừa cái Tôi: bạn nghĩ rằng bản viết đầu tiên phải là một bản viết hoàn hảo, không có gì sai sót.
Nguyên nhân đầu – thiếu định hướng – thì dễ giải quyết nếu bạn làm theo các gợi ý hướng dẫn trong loạt bài viết này. Các bài viết trước đã bàn về cách chọn đề tài và thông điệp cốt lõi qua việc phân tích người nghe, cũng như về cách lập dàn ý. Có thông điệp cốt lõi làm đích nhắm, có dàn ý làm bản vẽ, thì việc viết bản nháp đầu tiên không có gì là khó bởi vì bạn đã có rõ định hướng, biết phải nhắm đến đâu rồi.
Nguyên nhân sau – thừa cái Tôi – rất dễ thấy: viết xong một câu là bạn ngồi chỉnh sửa ngay, hy vọng đến lúc viết xong thì bạn sẽ có một văn bản hoàn chỉnh, không cần phải coi lại thêm. Điều này sẽ làm bạn rất mất thì giờ và khó lòng nào hoàn thành được bản nháp của mình.
Bạn phải biết rằng đây chỉ là bản nháp đầu tiên – nên nó không cần phải hoàn hảo. Có lẽ bạn sẽ thấy ghét một số chi tiết mình viết ra. Nhưng tôi khuyên bạn nên để dành cái ghét đó cho đến lúc biên tập lại. Mục tiêu của bạn trong công đoạn này là phác thảo các quan điểm và lý lẽ chính yếu, chưa phải lúc trau chuốt cầu kỳ.

Mẹo viết bản nháp đầu tiên

Với cá nhân tôi, công đoạn này thường là phần “đau đớn” nhất trong bước đường chuẩn bị bài thuyết trình. Nhưng qua kinh nghiệm, tôi có vài mẹo sau đây giúp bạn giải quyết được cái khổ sở ấy:
Đặt ra một thời hạn: Nếu bạn đã nắm thông điệp cốt lõi và có một dàn ý, thì không có lý do gì bạn không thể cho ra một bản nháp, dù là thô thiển đến mấy, trong một khoảng thời gian không lâu. Thời hạn là một yếu tố động viên thần kỳ.
Viết ra dưới hình thức các gạch đầu dòng: Viết thành câu những gì cần diễn đạt, nếu bạn có thể làm ngay. Nhưng lúc này, chuyện viết câu chưa quan trọng; bạn chỉ cần gạch đầu dòng các từ khóa hay cụm từ chính thôi.
Không cần phải theo trình tự: Thường thì nhiều người ngồi vô viết không ra phần mở đầu thì bắt đầu nản và muốn bỏ cuộc. Nếu gặp trường hợp đó, bạn cứ tạm bỏ qua phần mở hay những chỗ chưa tìm ra ý. Cứ gạch đầu dòng những ý nảy ra trong đầu, chưa cần phải theo trình tự từ trên xuống dưới.
Đừng lo lắng về độ lưu loát và các chỗ chuyển ý: Nếu bản nháp đầu tiên không trôi chảy từ đầu đến cuối, bạn cũng đừng lo lắng. Chuyện này có thể sửa lại sau. Thường thì trong bản nháp đầu tiên của mình, tôi thường để lại các ghi chú chữ đỏ chẳng hạn như “Chỗ này cần câu chuyển ý để qua ý sau
Đừng lo lắng về câu chữ: Chỉ cần gạch đầu dòng các ý tưởng thôi, dùng bất cứ chữ gì xuất hiện đầu tiên trong đầu bạn. Bạn có thể chọn thay từ ngữ, câu cú vào lúc biên tập lại.
Đừng lo lắng về độ dài: Chẳng có chuyện gì phải lo nếu như bản nháp đầu tiên của bạn trông dài thườn thượt. (Mà nếu lỡ nó có quá ngắn thì cũng không sao cả, mặc dù ít ai rơi vào trường hợp này). Đây là vấn đề ta sẽ giải quyết ở khâu biên tập.
Nếu bạn muốn rèn luyện thêm nhiều chi tiết khác, hãy tham dự khóa học Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét