21/2/13

Thiếu kỹ năng mềm, sinh viên sẽ ra sao?


Kỹ năng mềm - một thuật ngữ để chỉ cách ứng xử, giao tiếp, xử lý tình huống... của con người trong công viêc cũng như trong cuộc sống. Vài năm trở lại đây, thuật ngữ này càng được nhắc đến nhiều và ngày trở thành tâm điểm trong hoạt động đào tạo.
Nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng mềm được mở ra để phục vụ nhu cầu học tập các kỹ năng mềm này ngày càng cao. Kỹ năng mềm chính là chìa khóa của sự thành công, vì vậy sinh viên rất quan tâm đến các chương trình đào tạo này. Thiếu kỹ năng mềm, sinh viên sẽ khó có thể xin được việc làm bởi các nhà tuyển dụng luôn xem đó như là một nội dung chính trong phỏng vấn, tuyển dụng.
Những kỹ năng này tạo nên cá tính mỗi con người và là chìa khóa giúp họ đi đến thành công. Không phải tự nhiên mà có, những kỹ năng mềm là kết quả của một quá trình tích lũy, rèn luyện, học hỏi và cả những lần đứng dậy sau khi vấp ngã của mỗi cá nhân.
Trong nhiều cuộc họp, khi được quyền phát biểu ý kiến, người trẻ thường trông chờ vào ý kiến của những người nhiều kinh nghiệm, “nương” theo đó mà phát biểu thêm chứ không có chính kiến của mình. Để đến khi kết luận cuộc họp, có cái không đồng tình nhưng cũng không còn cơ hội để nói nữa.
Các chi tiết đó dẫu có thật hay không có thật ngoài đời nhưng chúng ta cũng thấy giới trẻ ngày nay rất thiếu kỹ năng mềm - đó là việc thuyết trình, nói trước đám đông, khả năng lãnh đạo, làm việc theo nhóm... Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật đã từng nói: Nếu là một cá nhân thì người Nhật thua người Việt, nhưng nếu làm việc theo nhóm thì người Nhật chắc chắn sẽ thắng người Việt. Vậy kỹ năng mềm là gì và tại sao nó lại quyết định đến 75% sự thành công trong công việc của mỗi người?
Kỹ năng “mềm” (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... là những thứ thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Chúng quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.
Những kỹ năng “cứng” (hard skills) ở nghĩa trái ngược thường xuất hiện trên bản lý lịch, khả năng học vấn của bạn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn. Bạn nghĩ rằng người ta sẽ rất ấn tượng với hàng loạt các bằng cấp của bạn, một số lượng lớn các kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao. Nhưng chỉ những điều đó thôi có thể không đủ để giúp bạn thăng tiến trong công việc. Bởi bên cạnh đó, bạn còn cần phải có cả những kỹ năng “mềm” vì thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Và chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là bạn phải biết kết hợp cả hai kỹ năng.
Năm nào nước ta cũng có rất nhiều giải vàng, giải bạc quốc tế - điều mà nhiều nước trong khu vực phải ghen tị. Nhưng mỗi khi nói về năng lực của lao động Việt Nam thì chắc chắn chúng ta dừng ở một vị trí đáng buồn. Vì sao? Rõ ràng là có một khoảng hẫng hụt lớn giữa cái được dạy và nhu cầu xã hội, thực tế sản xuất kinh doanh.
Trong hội nghị với Vụ Đại học - Bộ Giáo dục Đào tạo, UNESCO đề xướng mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Trường học chúng ta hiện đang nặng về học để biết, nghĩa là chỉ đạt được một trong bốn mục tiêu của UNESCO.
Giáo trình đại học của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Australia, Canada, Singapore... đều đề cập đến kỹ năng mềm. Tại Việt Nam, chúng ta chưa ý thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với thực tế cuộc sống của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hầu hết đều nghĩ, trang bị kiến thức là hành trang tốt nhất cho sinh viên để bước vào cuộc sống lập nghiệp. Nhưng thực tế đâu có vậy, từ biết đến hiểu là một khoảng cách rất xa, và từ hiểu đến làm việc chuyên nghiệp với năng suất cao là một khoảng cách còn xa hơn nữa. Điều này dẫn đến một thực trạng là sinh viên khi ra trường  biết nhiều kiến thức nhưng lại không có khả năng làm việc cụ thể. Rất hiếm người trẻ khi tiếp xúc với công việc mới đáp ứng được yêu cầu.
Họ thường làm qua loa cho xong việc, làm việc không có kế hoạch, thiếu tầm nhìn tổng thể mà chỉ nhìn phiến diện theo quan điểm cá nhân của mình, thiếu khả năng làm việc độc lập sáng tạo, tùy tiện và cứng nhắc trong xử lý công việc vì thiếu linh hoạt, không có thời gian nâng cao nghiệp vụ vì nhiều bạn cũng... lười. Vài năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng mới nhắc nhiều đến cụm từ “kỹ năng” và “kỹ năng mềm”, tuy muộn nhưng còn hơn không và người trẻ cũng rất cần học hỏi và trau dồi để có được những kỹ năng mềm, từ đó chúng ta có thể thành công từ những công việc nhỏ.
Kỹ năng là khả năng thực hiện một công việc nhất định, trong một hoàn cảnh, điều kiện nhất định, đạt được một chỉ tiêu nhất định. Các kỹ năng có thể là kỹ năng nghề nghiệp (các kỹ năng kỹ thuật cụ thể như hàn, tiện, đánh máy, lái xe, lãnh đạo, quản lý, giám sát…) và kỹ năng sống (các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tư duy, giải quyết xung đột, hợp tác, chia sẻ…). Mỗi người học nghề khác nhau thì có các kỹ năng khác nhau nhưng các kỹ năng cơ bản thì bất cứ ai làm nghề gì cũng cần phải có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét