Tôi đã từng sống không có ƯỚC MƠ
Hạnh phúc lớn nhất của một người có một Ước Mơ đó là có một Ước Mơ để cháy hết mình và để sống ý nghĩa mỗi ngày - Người Bay -
“Hãy dám sống với ước mơ lớn”
Nhiều người nói với tôi rằng, nếu tôi đặt ra cho mình ước mơ quá lớn thì sẽ khó mà đạt được. Tôi trả lời, khi bạn ý thức được đó là ước mơ thì việc đạt hay không không quan trọng, vì trong quá trình phấn đấu đạt ước mơ lớn ấy, bạn sẽ phải sử dụng hết năng lực của mình và vượt qua những vấp ngã trong cuộc sống và bạn sẽ cảm nhận niềm vui của việc sống với ước mơ.
Câu nói được lặp đi lặp lại trong bài diễn văn của mục sư M.Luther King “I have a dream” (Tôi có một ước mơ) đã trở thành bất hủ, và tôi thích câu nói đó. Đến khi chết vì bị ám sát, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ này vẫn chưa thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng đã có những người kế tiếp thực hiện ước mơ dang dở của ông.
“Tôi từng sống không ước mơ”
Tôi từng nghĩ kiếm nhiều tiền là ước mơ, lập được doanh nghiệp là ước mơ, nhưng không phải, đó chỉ là sự nhầm lẫn giữa ý thích, mục tiêu ngắn hạn và ước mơ mà thôi. Sống là phải biết kiếm tiền. Đã ước mơ thì phải ước mơ lớn và phải trung thành với ước mơ, vì vậy không dễ tìm ra được ước mơ của cuộc đời mình.
Bạn muốn biết đó có phải là ước mơ cuộc đời hay không, thì hãy thử hàng ngày nhắc đến nó, hình dung ra nó và cảm nhận trái tim bạn rung lên bần bật. Đấy mới chính là ước mơ cuộc đời! Ước mơ ấp ủ trong tim nên không có ngoại cảnh nào tác động làm bạn thay đổi.
Nhưng nhiều người đang sống không có ước mơ. Tôi thời sinh viên cũng vậy. Gia đình tôi làm trong ngành y và đã hướng tôi vào trường Y dù tôi không muốn. Ước mơ không có, năng khiếu không rõ, nên năm thứ ba đại học tôi quyết định đổi ngành, bất chấp sự ngạc nhiên lẫn khuyên can của mọi người từ bạn bè, thầy cô, đến ba mẹ. Vì không thích, không phù hợp với ngành học, không ước mơ đã khiến sức học của tôi xuống rất thấp, trở thành một sinh viên kém. Tôi thích lăn lộn ra ngoài xã hội hơn là gò bó trong môi trường đại học. Tôi muốn làm giàu, tôi muốn kiếm tiền nhưng nếu làm giàu bằng ngành Y có vẻ hơi trái với lời thề Hiprocrat, cha đẻ ngành y, mà mọi sinh viên phải thuộc nằm lòng từ khi mới vào trường.
Nghỉ học đại học là một quyết định khó khăn và cả dũng cảm nữa.
Bố mẹ gây áp lực bằng cách cắt lương. Tôi chấp nhận. Thật sự ngay từ bé tôi đã mê… kinh doanh, bằng cách thỉnh thoảng cho bạn xem bài, đổi lại bạn cho tôi kem. Đó là công bằng. Trong môi trường giáo dục VN, người ta ngại nói đến tiền bạc. Riêng tôi, tôi khuyến khích các bạn nhỏ học cách kiếm tiền hợp pháp, đúng với giá trị mình bỏ ra. Ở nước ngoài, vào những kỳ nghỉ, bố mẹ cho con đi xúc tuyết, rửa xe hàng xúm để kiếm tiền, để nhận biết giá trị của đồng tiền và cảm xúc khi có tiền trong tay – cảm xúc mà bất kỳ ai muốn kiếm tiền phải có. Tôi ngay từ nhỏ đã có thể tự tổ chức sinh nhật bằng tiền bán báo cũ hay tiền bố mẹ phát lương cho khi giữ công việc phát phiếu bệnh nhân khám bệnh ở phòng mạch của gia đình. Vào đại học, vừa học tôi vừa tham gia dịch thuật cho các báo theo một quy trình như kinh doanh cá nhân thực thụ với mức thu nhập khá tốt. Do đó, tôi đã tự tin khi từ bỏ ngành y.
Tôi tự mãn với công việc dịch thuật và khoản thu nhập của mình nhưng vẫn không hề có ước mơ. Năm 1994, tôi vào khoa quản trị kinh doanh của Đại học Mở Bán công TP.HCM, cũng với suy nghĩ như nhiều người bây giờ – muốn kiếm tiền phải học kinh doanh. Dịch thuật báo chí sang năm 2002 đã thoái trào. Tốt nghiệp đại học thủ khoa, tôi có thể xin ở lại trường dạy nhưng tôi không chọn cách đi này. Tôi không thích nói lại những gì người khác nói hoặc đọc trong sách, mà chưa hề qua trải nghiệm, ví như ta bảo “này, cam chua lắm”, “sao anh biết?”, “tôi nghe nói thế!”. Tôi về làm biên tập viên ở một tòa soạn báo, vừa làm vừa học cao học để có bằng cấp.
Năm 2000, xong cao học, tôi bắt đầu con đường đi làm thuê qua nhiều công ty khác nhau để biết qua nhiều lĩnh vực trước khi làm chủ. Tôi làm việc nhiệt tình để trong thời gian ngắn nhất nắm chắc những gì cần biết ở mỗi công ty. 28 tuổi, tôi đã tự thiết kế chương trình dạy PR, ở thời điểm rất thịnh, và xin vào dạy ở một trung tâm, không phải dạy thuê mà dạy ăn chia phần trăm.
Khi làm ở Prudential VN, ý muốn ra ngoài làm riêng của tôi bị chùng xuống vì địa vị khá tốt, công việc ổn định. Nhưng tôi gặp sự cố, phải nghỉ việc và tôi mất đi cái sự ổn định mà thật sự là không ổn định, đó là “ổn định trên sợi dây”, ổn định đích thực là ổn định do mình làm ra. Tôi quyết định tập trung trăm phần trăm cho công ty riêng của mình. Nhưng tôi vẫn chưa có ước mơ.
“Và tôi có ước mơ”
Ước mơ của tôi được nhận diện rõ vào cuối năm 2001, sau khóa học về huấn luyện tinh thần của Prudential. Đó là khóa huấn luyện cho người ta biết ước mơ, biết nuôi dưỡng niềm tin… Tôi quyết định đi theo con đường này vì đó là một lĩnh vực thú vị, hầu như chưa có ai làm ở VN.
Ước mơ của tôi: Bất cứ gặp ai trong đời cũng mong muốn giúp họ thành công và hạnh phúc hơn. Tôi suy nghĩ kỹ: nếu cho người ta tiền, hết tiền người ta sẽ quay trở lại xin tiếp. Tôi thích câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ ở cái cách giúp bạn căn cơ của Dương Lễ: chỉ cho bạn thất trách nhiệm sống là của từng người, không ai sống thay mỡnh được.
Ai đó nói “Tôi không cho người ta cá, không cho người ta cần câu, mà chỉ cách đi câu – tức chỉ cho cái nghề”. Nhưng chỉ cho người ta cái nghề thôi thì liệu người ta có vươn lên nổi không trước những cám dỗ trong cuộc sống để theo nghề nếu không cho họ một suy nghĩ mới? Nhà tù duy nhất của con người là nhà tù suy nghĩ mà, chỉ có suy nghĩ mới kìm hãm sự phát triển của con người! “Nếu bạn không thể nghĩ vượt lên được những gì bạn đang nghĩ thì bạn không thể làm hơn những gì bạn đang làm”. Bứt phá bằng tư duy, bằng suy nghĩ mới là quan trọng.
Tôi giúp người khác có suy nghĩ mới nên đã chọn nghề diễn thuyết tinh thần. Nghề này giúp cho tôi sống với khát vọng. Tôi là người không bài ngoại. Nguyên lý của tôi là trong một có tất cả, trong tất cả có một. Là một doanh nhân, nếu anh nói anh yêu dân tộc Việt Nam, đầu tiên anh phải yêu nhân viên của anh, giúp nhân viên của anh phát triển. Để tôi yêu con người Việt Nam, tôi phải yêu con người, bất kể là người của dân tộc nào. Tôi sống vị tha, rộng lượng. Đó là cái mới trong con người tôi từ khi tôi sống với ước mơ của mình. Đã là ước mơ thì không có ước mơ xấu. Tôi khám phá ra chân lý: để bạn giàu thì hãy giúp người khác giàu, để bạn hạnh phúc thì hãy giúp người khác hạnh phúc, để bạn thành công thì hãy giúp người khác thành công.
Nhưng trong đời sống hiện nay vẫn còn có những ước mơ bị giết chết ngay từ trong trứng nước. Nhiều người lớn chọn đời sống an phận, luôn nói với con cháu rằng hãy mơ vừa vừa thôi, trèo cao té đau. Đó là do ảnh hưởng tư tưởng của người phương Đông xưa, sống một đời sống an nhàn là một cuộc đời không hoài bão, không danh lợi.
Cuộc sống bây giờ đã khác. Nếu đã ước mơ thì hãy ước mơ lớn. “Hãy ước mơ lờn đến tận trời xanh, nếu không đến được trời xanh thì bạn cũng đang ở giữa các vì tinh tú”. Tôi rất thích bóng đá và tôi yêu đội bóng đá Việt Nam, nhưng mục tiêu mà những người làm bóng đá Việt Nam đề ra là đứng đầu khu vực thỡ thật quá nhỏ bé. Chúng ta ước muốn nhỏ bé thì cách làm của ta sẽ nhỏ bé; còn nếu ước muốn lớn cách làm sẽ lớn.
Có những ước mơ hết cuộc đời này người ước mơ không làm được, nhưng người khác sẽ đi tiếp chặng đường.
Tôi có nhiều ước mơ nhưng trong những ước mơ đó chỉ có duy nhất một ước mơ lớn. Đó là ước mơ về sự nghiệp – sự nghiệp của một diễn giả chuyên nghiệp. Tôi đang sống với ước mơ sẽ có một ngày diễn thuyết ở sân vận động với hai ba vạn người nghe, không chỉ bằng tiếng Việt mà cả tiếng Anh.
Trong nghề diễn giả tinh thần, tôi thần tượng khả năng của Anthony Robbins diễn giả tinh thần người Mỹ, được xem là số 1 thế giới hiện nay, với mức thù lao lên tới 100.000USD/buổi. Đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, tôi có thể trở thành diễn giả tiếng Anh khá, nhưng tốt nhất tôi hãy là diễn giả tiếng Việt quốc tế cho người Việt trên thế giới.
Tất cả những ước mơ đều có thể trở thành sự thật, nếu chúng ta dám sống với ước mơ. Câu chuyện của Thống đốc bang California, tài tử Hollywood, lực sĩ đẹp hoàn vũ Arnold Schwarzengger khiến cho người ta mong muốn sống với mọi ước mơ của mình. Arnold từ một cậu bé ốm yếu trở thành lực sỹ đẹp hoàn vũ, năm 1990 ông qua Hollywood với cái giọng Mỹ lai Áo khó nghe, nhưng với ước mơ làm chính khách, ông đã rèn luyện không ngừng và bây giờ thì Arnold là một trong những chính khách diễn thuyết giỏi!
Từ câu chuyện cuộc đời của Arnold, tôi tự hỏi tại sao mình không thể là một diễn giả tiếng Anh giỏi. Tôi chắc chắn làm được. Nhưng tôi không muốn rời xa đất nước này để đến một đất nước khác. Tôi muốn theo đuổi con đường mà tôi đã chọn, làm thế nào để diễn thuyết trở thành một nghề phổ biến ở Việt Nam và có trường đào tạo diễn giả.
Ai đó nói với tôi rằng, bên cạnh những ước mơ đích thực còn có những ước mơ viễn vông. Đúng, ước mơ viễn vông là khi người ta nói những không dám sống với ước mơ. Có bạn trẻ nói với tôi, bạn ấy muốn bay. Tôi hỏi lại, bạn có tin là bạn bay được không? Trả lời: Không. Nếu bạn không tin mình thì làm sao bạn có thể thực hiện được ước mơ? Có một bác sĩ ngoại khoa người Brazil mất đi một bàn tay sau tai nạn động đất, nhưng ông ấy vẫn dám sống với ước mơ của mình, trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi với một bàn tay và một bàn tay khác được ghép từ bàn chân.
Những người như bạn trẻ kể trên là những người luôn hoài nghi mình bé nhỏ, một mình thì không làm gì được. Đối với họ, thời gian vẫn trôi, cuộc đời vẫn ngắn ngủi, và họ cũng sẽ đi hết đời mà chẳng để lại dấu ấn gì cho cuộc đời mình cả. Với riêng tôi, không có ước mơ nào là viễn vông nếu bạn dám sống hết mình với ước mơ.
Hạnh phúc của người sống có ước mơ là họ luôn có ước mơ để sống. Họ luôn tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội, cho mọi người và cho bản thân mình.
Có người hỏi tôi, giữa hai sự lựa chọn: một là, bạn đặt ra từng ước mơ nhỏ và thực hiện nó dần dần sẽ tới ước mơ lớn; hai là đặt hẳn ra ước mơ lớn và cứ thế thực hiện, tôi sẽ chọn cách nào. Tôi nói, tôi sẽ đặt ra ước mơ lớn và vạch kế hoạch, lộ trình, mốc thời gian để đạt được nó. Tôi sẽ đi một cách hào hứng và nếu có ngã, ước mơ sẽ kéo tôi đứng lên đi tiếp. Tôi không sợ ước mơ sẽ ám ảnh mình mà tôi thấy hạnh phúc vì mỗi ngày tôi càng tiến gần đến đích của cuộc đời mỡnh.
Các bạn trẻ Việt Nam thường ít ước mơ bởi xã hội chúng ta ít ước mơ, giáo dục trong nhà trường không cho học sinh có những suy nghĩ bay bổng, trí tưởng tượng không được nuôi dưỡng, bố mẹ sống thực dụng nên khuyên con thực dụng, con cái không được nói những gì chúng muốn, chúng suy nghĩ mà phải nói những gì bố mẹ cho phép, nên nếu có ước mơ các bạn cũng giữ trong lòng mà không dám nói ra, để đến một ngày ước mơ chết đi vì không có sự chia sẻ.
Tôi là người theo nguyên lý cân bằng trong cuộc sống. Với tôi, người nghèo là người ngoài tiền bạc ra không có gì cả, nghèo tâm hồn, nghèo mối quan hệ, nghèo tình cảm, nghèo tinh thần… Cho nên, tôi là người giàu có, hạnh phúc và thành công. Tôi giàu có vì tôi có ước mơ lớn, tôi có sự cân bằng các mặt trong đời sống và không bao giờ sống dưới mức tiềm năng bất cứ một phút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét