(Dân trí) - Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện nay đang đứng ở hàng thấp nhất trong các nước phát triển. Điều này khiến Chính phủ Hàn Quốc quyết định vào vai... “bà mối” để giúp các nam nữ độc thân Hàn Quốc có thêm cơ hội làm quen.
Những cuộc "xem mặt tập thể" hiện rất phổ biến tại Hàn Quốc
Đối với nhiều người, câu chuyện hẹn hò là một chuyện rất cá nhân nhưng ở Hàn Quốc, khi tỉ lệ sinh đang giảm mạnh còn quan niệm của người dân về chuyện kết hôn vẫn còn rất truyền thống, việc giúp những người độc thân có cơ hội gặp gỡ, hẹn hò đã trở thành mối quan tâm lớn của cả đất nước.
Những buổi "xem mặt tập thể" hiện đang được tổ chức rất rầm rộ trên khắp đất nước Hàn Quốc. Điều đặc biệt, đơn vị đứng ra tổ chức và bảo trợ cho chương trình chính là Chính phủ Hàn Quốc.
Một sự kiện được tổ chức tại trung tâm mua sắm vào ngày Valentine dành cho những bạn trẻ không nhận được socola trong ngày lễ Tình Yêu.
Giờ đây, ở Hàn Quốc không còn chuyện “bố mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” nữa nhưng tục mai mối vẫn còn rất phổ biến. Nam nữ gặp gỡ, hẹn hò nhau thường phải qua giới thiệu của một bên thứ ba.
Vì nét tâm lý đặc trưng này nên Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc đã được giao trách nhiệm trở thành "ông mai bà mối", đứng ra tổ chức những buổi gặp mặt cho nam nữ độc thân kể từ năm 2010.
Giờ đây, khi hiệu quả của mô hình này đã được khẳng định, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc chuyển giao trách nhiệm tổ chức cho chính quyền địa phương. Nơi nào có tỉ lệ kết hôn và tỉ lệ sinh tăng sẽ được Nhà nước tặng thưởng.
Vào ngày lễ Giáng sinh, hàng ngàn thanh niên Hàn Quốc đổ tới công viên để tham dự vào ngày hội dành cho những người độc thân với hy vọng sẽ tìm được một “đối tượng” ưng ý.
Nhiều tập đoàn lo sợ việc thiếu nhân công trẻ trong tương lai vì tuổi thọ trung bình của người dân Hàn Quốc đang ngày càng tăng nhanh, đã bắt đầu đề nghị chi trả một phần “chi phí hẹn hò” cho các công nhân trong nhà máy.
Nhiều doanh nghiệp lớn thậm chí còn lập ra những quán bar dành cho nhân viên độc thân và phục vụ bàn sẽ là những người mai mối tinh tế, giúp chuyển các tin nhắn tình yêu từ người này tới cho người khác.
Ngoài ra, dịch vụ mai mối qua mạng cũng rất phát triển tại Hàn Quốc. Những người còn độc thân có thể gửi thông tin đến cho các công ty mai mối để từ đó, họ sẽ lựa chọn ra những đối tượng phù hợp.
Nhiều nhà xã hội học cho rằng nền kinh tế của Hàn Quốc phát triển quá nhanh, hệ tư tưởng của người dân không theo kịp. Vì vậy, họ chưa sẵn sàng cho một sự thay đổi mạnh mẽ, như trong chuyện tình yêu - hôn nhân chẳng hạn. Việc tiếp cận và chủ động làm quen với người mà mình không quen biết vẫn còn quá xa lạ đối với người Hàn Quốc.
Giới trẻ Hàn Quốc hôm nay giống như đang ở giữa hai dòng nước. Khi một người đến tuổi lập gia đình, cha mẹ và bạn bè sẽ đóng vai trò người mai mối, liên tục giới thiệu cho người đó hàng loạt “đối tác” tiềm năng. Việc phải liên tục đi xem mặt nhiều khi khiến mọi chuyện trở nên áp lực, thậm chí nhàm chán.
Nhìn chung, giới trẻ Hàn Quốc vẫn chưa qua thời kỳ “quá độ”. Họ vẫn chưa quen với lối sống du nhập từ phương Tây, như việc hẹn hò chớp nhoáng chẳng hạn. Việc chủ động tiếp cận đối tượng mình thích, làm quen và “ra tín hiệu” thực tế còn rất xa lạ với giới trẻ Hàn Quốc.
Ngoài ra, những khó khăn trong việc tìm được “đối tượng” thích hợp cũng khiến người trẻ ở đây ngày càng kết hôn muộn. Phụ nữ Hàn hiện đại có công việc và thu nhập tốt hơn, tiêu chuẩn người đàn ông lý tưởng của họ cũng cao hơn. Họ ngày càng thích tận hưởng cuộc sống, cảm thấy áp lực làm vợ, làm mẹ quá lớn và ngày càng muốn trì hoãn việc kết hôn.
Hồ Bích Ngọc
Theo New York Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét