2/9/13

" Người bốc phét hạng 3" là một vị Giáo Sư đáng kính

...Người ta phong cho tôi là "ông bốc phét có hạng, hỏi hạng mấy: xin xếp hạng 3. Nhưng người hạng 1, hạng 2 thì... chưa có....Vì nói cái gì cũng được, mà nói cái gì cũng hay. Tôi nói chuyện với sinh viên thì chúng vỗ tay hoan hô.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống - người vừa có bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục về thực trạng đào tạo tại chức (được đăng tải trên Tuần Việt Nam) tự nhận mình là người hay..."cãi". Giáo sưCống còn là một công dân hết sức nhiệt huyết đến mức sẵn sàng đi thi tổ trưởng dân phố giỏi.
GS. Nguyễn Đình Cống. Ảnh Lê Anh Dũng
Trò chuyện với Tuần Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Cống tỏ ra kỳ vọng vào Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân trong việc lập lại kỷ cương của hệ thống ĐH tại chức. Nhưng ông nói thêm: "Nếu xã hội không thay đổi cơ chế tuyển dụng nhân sự thì một mình ngành giáo dục không làm nổi việc này...". GS Cống nguyên là chủ nhiệm bộ môn xây dựng của Đại học Xây dựng. Năm nay ông 71 tuổi và đã hưởng lương hưu cách đây 10 năm.
Đúng, tôi là người hay ..."cãi"!
Trong thời gian đứng bục giảng, GS có hay tham gia phản biện lại chính sách nhà trường hoặc từ phía Bộ Giáo dục, nói một cách nôm na là có hay "cãi" không?
GS Nguyễn Đình Cống: Hồi trẻ thì tôi hay cãi lắm. Đến khi có tuổi hơn rồi thì tôi thấy có cãi cũng không được tích sự gì, nên mình chọn cách góp ý nhẹ nhàng. Cho đến khi già rồi thì tôi hay phản biện đấy, nhưng không cãi nữa, mình nói ra ý kiến của mình, người ta nghe được thì nghe, không nghe thì thôi.
Cái sự "cãi" đó có bao giờ gây lại cho GS những thiệt thòi trong sự nghiệp, trong công việc không?
- Chưa có, may phúc tổ nhà tôi.
Nhưng rồi GS không lên được lãnh đạo đúng không?
- Những năm 1990, 1991, Bộ Đại học có phong trào bầu cử hiệu trưởng, tôi nghĩ mình cũng nên tham gia xem sao. Thế nhưng tôi chỉ được xếp thứ 2. Ông hiệu trưởng lên rồi, cứ băn khoăn không biết có nên mời ông Cống làm hiệu phó không nhỉ? Nhưng rồi nghĩ ông này ngang bướng, khó bảo. Sau đó tôi về làm chủ nhiệm khoa Xây dựng.
GS có nhận thấy trong hệ thống giáo dục, có một sự im lặng đến mức: phòng thì sợ Sở, Sở thì ngại Bộ... Và sự phản biện của họ tới cấp trên rất hiếm hoi?
- Xét về khía cạnh tâm lý, những người đã chọn ngành giáo dục, thì chủ yếu họ không thích cãi. Đấy là cái thâm căn cố đế ở nghề nghiệp, gắn với những phẩm chất, tâm lý của đối tượng ấy. Những người hăng hái thì đã nhảy vào những lĩnh vực khác rồi. Còn những người đã chọn con đường sư phạm thì ít nhiều trong phẩm chất của họ đã có một cái gì tâm lý chấp nhận để làm việc truyền đạo thôi.

Còn những người thấy chuyện bất bình mà lên tiếng như tôi đây thì không nhiều lắm. Ngay cả những chuyện mà tôi nói ra đây, nhiều người biết, nhưng không ai nói. Ai cũng bảo: "Thôi ông ơi, cứ làm việc của mình cho tốt, những việc như thế thì thôi".
Nhưng có điều gì khác biệt trong con người GS, thôi thúc ông thỉnh thoảng lại có một sự phản biện, thỉnh thoảng lại ..."cãi" một chút?.
- Cái sự khác biệt trong người tôi là vốn dĩ trời sinh ra. Thực ra trời sinh ra ông Cống này không phải để làm thầy giáo đâu. Tôi cũng không chọn làm nghề giáo. Tôi thi vào ngành Công nghiệp của đại học Bách Khoa, với mong ước rằng ra ngòai công trường để thi thố. Nhưng đến khi học xong rồi thì người ta giữ tôi ở lại trường làm giáo viên.
Nhưng mà tính hay "cãi" thì không mất đi?
- Nó có bớt đi đấy. Thành ra, may phúc tổ cho tôi ở lại trong ngành giáo dục. Vì trong ngành GS nói thế thôi chứ người ta còn chấp nhận được những người hay cãi. Ra ngoài, nếu tôi cứ ngang bướng như thế không biết có tồn tại được không (cười).

Những người có tính ngang bướng như tôi, hoặc là sẽ thăng tiến nếu gặp người hiểu mình, hoặc là bị vùi dập nếu như gặp người hiểu mình. Tôi cũng chứng kiến có những người có nhiều ý kiến tranh luận, nhưng gặp được minh chủ, thì được nâng đỡ, đề bạt, nên người ta phát triển lên rất nhanh.
"Tôi tự nhận là bốc phét hạng 3"
Để chọn lại số phận, quay lại thời trai trẻ, ông sẽ chọn con đường nào? Liệu có tiếp tục đi dạy không?
- Tình yêu với nghề dạy học của tôi như là tình yêu sau khi cưới. Trước khi mình vào, cũng không thích lắm, nhưng làm được một thời gian rồi thì thấy quý lắm.
Với tính cách hóm hỉnh như vậy, chắc ngoài đời ông sinh động lắm..?
- (Cười lớn) Tôi ưa hoạt động. Về hưu, người ta bảo ông Cống đi làm tổ trưởng Dân phố, thế là tôi đi. Người ta cử người đi thi tổ trưởng dân phố giỏi, ông Cống cũng đi thi và chiếm luôn giải nhất của quận. Rồi người ta lại bảo đi thi báo cáo viên tư tưởng Hồ Chí Minh, chi bộ đùn đẩy rồi cuối cùng lại... ông Cống. Bây giờ có đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, mọi người lại bảo "lại ông Cống đi chứ ai nữa".

Thế rồi tôi đi hoạt động đủ mọi thứ. Ở trường, người ta phong cho tôi là "ông bốc phét có hạng, hỏi hạng mấy: xin xếp hạng 3. Nhưng người hạng 1, hạng 2 thì... chưa có.
Vì sao ạ?
- Vì nói cái gì cũng được, mà nói cái gì cũng hay. Tôi nói chuyện với sinh viên thì chúng vỗ tay hoan hô.

Đi dạy đại học tôi còn dạy phương pháp giảng dạy đại học, phương pháp luận nghiên cứu khoa học, nghĩ là làm cái gì cũng suy nghĩ cho nó chặt chẽ, chính xác.

Trong khi đó cuộc đời là một logic mờ, thế này cũng được, thế kia cũng xong, nói thế này nhưng hiểu thế khác.

Thỉnh thoảng cái tư duy khoa học trong tôi lại nổi lên. Nhưng bây giờ tôi tỉnh ngộ ra rồi, không phải cái gì cũng 1+1 = 2.
"...Vì tiêu cực này mang lại quyền lợi cho họ!"
Thưa GS, bốn tiếng đồng hồ sau khi bức thư của GS gửi bộ trưởng GD Nguyễn Thiện Nhân được đăng tải trên Tuần Việt Nam, đã có trên 100 ý kiến phản hồi, trong đó có đến 99 ý kiến đồng thuận với những điều mà GS phản ánh về thực trạng của đào tạo tại chức. Thầy có bất ngờ không?
- Tôi cũng đã dự kiến trước được bởi vì đây là vấn đề rất nhiều người trăn trở nhưng người ta chưa có dịp để nói ra. Về thực trạng của đào tạo đại học tại chức, tôi đã trăn trở hàng chục năm nay, rất nhiều lần tôi định viết báo công bố ý kiến của mình nhưng cứ chần chừ mãi. Hơn nữa, như trong bài tôi đã viết có nhiều người can ngăn tôi: "Ông ơi, ông đừng có vác gậy chống trời" nhưng gần đây tôi thấy thôi mình không vác gậy chống trời được thì ta giơ gậy ra chống một tàu lá, mái nhà trên đầu mình. Tôi cho rằng tôi làm một việc hơi... liều mạng, tôi cũng không biết người ta sẽ sử sự với tôi như thế nào, nhưng tôi đoán rồi cũng sẽ có một số đông hưởng ứng, nhưng cũng có một số khác phản đối.
GS dự đoán những ai sẽ phản đối mình?
- Những người mà việc tiêu cực này mang lại quyền lợi cho họ. Tại sao lại có tiêu cực? Nếu như tiêu cực làm hại tất cả mọi người thì ai dại gì mà tiêu cực. Nhưng cái việc tiêu cực này nó có mang lại quyền lợi cho một số người nào đấy thì những người ấy sẽ phản đối.
Cụ thể là nhóm người nào ạ?
- Có ba nhóm người:
+Thứ nhất là một số đơn vị tổ chức ra các lớp tại chức mục đích chính không phải vì kiến thức, đào tạo nhân lực mà để kiếm tiền.

+Thứ hai, là một số ít thầy giáo sống bằng nghề dạy tại chức, có nghĩa là người ta không quan tâm đến chất lượng dạy học, người ta chỉ quan tâm đến thu nhập, nhưng mình xiết lại mình muốn chấn chỉnh lại thì rõ ràng quyền lợi của những người ấy sẽ bị đụng chạm.

+ Thứ ba là số đông người học nhờ gian lận, tiêu cực mà người ta kiếm được tấm bằng và nhờ có tấm bằng ấy người ta có những quyền lợi khác, nếu như bây giờ chấn chỉnh lại thì những người ấy sẽ bị ảnh hưởng.
"Thế mới cần ông bộ trưởng giỏi!"
Trong lá thư của GS, có thể nhận ra điều mong mỏi của ông được ông Bộ trưởng mới quan tâm đến vấn đề đó, để có thể dấy lên một làn sóng chống tiêu cực như là: "Nói không với tiêu cực trong thi cử"?
- Trước khi gửi bài viết này tới Tuần Việt Nam, tôi cũng đã đưa cho bạn bè xem và góp ý kiến. Rất nhiều người hỏi tôi: "Thế ông làm cái này để làm gì?" Tôi bảo: "Viết để nói lên tâm trạng của mình thôi, chứ tôi cũng biết rằng đây là một việc quá khó. Chính vì nó quá khó nên mới cần đến những người tài giỏi giải quyết. Tôi hi vọng ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là người tài giỏi, có thể giải quyết được vấn đề này.
Thế nhưng mà chuyện có giải quyết được hay không, thì không đơn giản chỉ là việc người ta có thấy vấn đề đó hay không, mà vấn đề ấy phải trở thành tâm huyết của chính người đó. Người ta phải tiếp nhận được vấn đề bằng cả trí tuệ và tình cảm.
GS có kỳ vọng sẽ có thái độ tích cực từ tân Bộ trưởng Giáo dục không?
- Tôi rất hi vọng. Trong thư tôi có viết một câu: "Về phần tôi nếu được Bộ trưởng hỏi đến tôi sẽ cung cấp thêm thông tin và tôi sẽ trình bày những suy nghĩ, biện pháp của mình mấy chục năm nay để cải thiện bức tranh nền giáo dục không riêng gì tại chức mà cả bậc phổ thông, đại học. Bởi vì tôi đã làm trong ngành giáo dục 30 - 40 năm do vậy tôi rất tâm huyết với ngành và tôi rất muốn đóng góp nếu Bộ trưởng biết đến và hỏi đến tôi sẽ liệu thân già có sức lực nào tôi cũng xin đóng góp".
Chốt lại, ý muốn rốt ráo nhất của GS là muốn cải thiện đào tạo tại chức hay ..dỡ bỏ luôn - nếu có thể?
- Không, như tôi đã nói trong đoạn đầu của bức thư là: chủ trương đào tạo hệ đào tạo tại chức là chủ trương đúng chứ không phải là sai. Việc đào tạo tại chức đúng sẽ mang lại hiệu quả tốt cho xã hội. Nhưng cái sai ở chỗ là mình phát triển quá rộng làm cho đi lệch lạc. Do vậy, chúng ta cần phải chấn chỉnh, thay đổi, làm thế nào để đảm bảo đúng chủ trương của hệ đào tạo ại chức.
Kẽ hở đầu tiên phải quan tâm là tuyển sinh!
Thưa GS, nói chấn chỉnh là rất khó bởi người ta không thể tìm được ranh giới chỗ nào là đúng chỗ nào là vừa phải, do vậy nếu để tồn tại hệ tại chức thì trường ĐH nào cũng muốn phát triển đại trà mà càng phát triển thì càng nhiều tiêu cực, càng phát triển thì chất lượng càng thấp. Do vậy rất khó dung hoà như thầy muốn mà chỉ chọn một trong hai, hoặc là bỏ hoặc là không...?
- Tôi không tán thành bởi vì đúng là khi chúng ta nêu ra một chủ trương nào đó thì cũng có những chỗ sơ hở để người ta lợi dụng. Cái tài giỏi của người quản lý và lãnh đạo ở chỗ mình kịp thời phát hiện ra những chỗ sơ ở, bị lạm dụng để ngăn ngừa và phát hiện ra mặt tốt để phát triển. Như vậy mới cần ông Bộ trưởng giỏi, cần người quản lý lãnh đạo giỏi. Nếu như chúng ta bỏ hẳn đào tạo tại chức thì không đúng đâu. Bởi vì hệ đào tạo tại chức không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước người ta vẫn phát triển. Chủ chương tại chức là chủ chương đúng, chẳng qua vì lãnh đạo ngành không giỏi nên không phát hiện ra những lệch lạc để ngăn chặn kịp thời, để nó phát triển thành tệ nạn xã hội đến như bây giờ. Nếu như chuyện này ngay 5 - 10 năm trước đây những vị Bộ trưởng trước biết và phát hiện kịp thời để ngăn chặn, có những hàng rào, mức quy định cụ thể thì làm sao mà thất thoát được.
Theo GS kẽ hở nào là lớn nhất và nếu bây giờ cần dựng hàng rào cho đào tạo tại chức thì sẽ bắt đầu từ đâu?
- Cái này hơi khó mà chúng ta phải tập chung vào rà soát lại nhiều chuyện, cần có những những người có tâm huyết, có quan tâm đi nghiên cứu một cách toàn diện. Tại vì bản thân tôi chỉ vì tâm huyết thì tôi nói thế thôi, còn hiểu cặn kẽ thì làm sao tôi hiểu hết được. Đề xuất của tôi là đề nghị Bộ trưởng cho điều tra khảo sát chứ bản thân tôi mới chỉ nắm được một phần nào đấy chứ không phải toàn bộ. Tất nhiên phần tôi nắm được không chỉ là trải nghiệm từ bản thân mà còn qua trao đổi với nhiều bạn bè, đồng nghiệp.
Trong khâu tuyển sinh, quản lý, dạy và học và đánh giá đều có sơ hở như tôi đã nói trong thư. Còn những phương diện nữa là chính sách đường lối về vấn đề quản lý cũng có sơ hở. Vậy lúc này chỗ hở nào là quan trọng nhất thì tôi chưa muốn nói vì điều đó cần có một nghiên cứu, đánh giá. Nhưng như tôi đã nói mảng nào cũng có sơ hở, trước hết là khâu tuyển sinh, đối tượng tuyển vào.
Theo chính sách đối tượng tuyển sinh dành cho những người đã có một số năm đi làm, có hiểu biết thực tế, không có điều kiện đi học ban ngày thì họ học tại chức để bổ sung kiến thức. Nhưng hiện nay phần lớn là sinh viên thi trượt đại học chính quy họ loanh quanh ở đâu đó một vài tháng hoặc một vài năm rồi nộp đơn thì vào tại chức. Tôi vào dạy lớp tai chức thấy các em trẻ măng hỏi ra mới biết em thì đi làm bảo vệ cho một công ty, em thì đi làm công nhân, em thì ở nhà. Những em như vậy trình độ rất kém vì thi trượt đại học và ở nhà bố mẹ tìm cách xin cho con đi học. Những đối tượng như vậy thường lười và học hành không ra gì.
Còn đối tượng đi học tại chức thật là những người đã đi làm việc một vài năm bây giờ cần kiến thức để làm việc họ lại xin đi học thì những người đó học rất tích cực, chăm chỉ. Có thể tiếp thu của những người đó hơi yếu nhưng họ có tinh thần học tập và cố gắng. Do vậy tôi mới nói tôi đi dạy nhiều năm tôi không sợ, ngại các anh trình độ yếu tôi theo các anh tôi dạy cho được. Nhưng mà khi không muốn học thì tôi chịu. Mà đa số khi học tại chức, số các em trẻ lại không muốn học. Đến khâu quản lí, kiểu học hiện nay là không được, là phản sư phạm.
Thay đổi cơ chế tuyển dụng? Đừng dựa vào tấm bằng!
Rõ ràng là vấn đề đạo tạo này liên quan trực tiế đến cơ chế nhân sự, tuyển người ở các cơ quan hiện nay?
- Vâng! Cách đây vài ba tháng, tôi cũng đã gửi thư lên Quốc hội, trình bày về giáo dục. Nhưng nói chung là tôi thấy nó khó giải quyết lắm.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục, mà nó đụng tới một loạt chính sách của nhà nước. Tại sao người ta lại nhất thiết cần có tấm bằng? Vì chính sách của nhà nước trong việc thu nhận, đề bạt cán bộ, lên lương, đều dựa vào tấm bằng. Thế cho nên người ta phải đi chạy. Vấn đề này, nếu chỉ riêng mình ngành giáo dục thì không giải quyết được.
Vậy ta có nên đề xuất với những nơi tuyển nhân sự là ở một số vị trí như: giám đốc, trưởng phòng của huyện, tỉnh thì không công nhận bằng tại chức?
- Tôi không đề xướng chuyện đó. Thực tế là tấm bằng tại chức với những người học hành cẩn thận thì nó vẫn có chất thực sự. Đừng có quan trọng là cái tấm bằng nào, mà hãy quan tâm đến nặng lực làm việc.
Có nghĩa là việc thi tuyển công chức vào các cơ quan nhà nước phải minh bạch, công khai, và thực sự có cơ chế là chọn người tài, thì mới trở lại là việc đào tạo này phải đòi hỏi thực chất?
- Đúng, chứ đừng có dựa vào tấm bằng. Cũng đừng quan niệm là tấm bằng tại chức không đáng giá. Vì trong hàng trăm người đi học tại chức, vẫn có dăm ba người khá. Trong bài viết, tôi cũng chỉ dám dùng từ số đông, đa số, phần lớn.
Xin cảm ơn Giáo Sư!
  • Lương Bích Ngọc (thực hiện) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét