VnExpress – 17h chiều, bệnh nhân ở Bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội) xách cặp lồng xuống sân đợi cháo của một nhóm thanh niên xăm trổ đầy mình. Hôm nay cháo đến muộn nhưng họ vẫn cố đợi vì ‘cháo của các chú ấy là ngon nhất’.
17h thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, nhóm “Hòa nhập” của anh Tuấn lại chở thùng cháo nóng hổi tới viện phát cho bệnh nhân. Ảnh: Bình Minh. |
Chiếc ôtô màu đen bóng loáng đỗ xịch trước nhà ăn. Hai người đàn ông đầy vết xăm trên cánh tay nhanh chóng mở cốp, khênh thùng cháo màu xanh đặt lên bàn.
Nắp thùng cháo vừa mở, mùi thơm ngậy của nước xương và thịt tỏa ra khiến bệnh nhân đang đứng xung quanh tấm tắc: “Thơm quá”. Người đàn ông có dáng “anh chị” không ngơi tay múc từng ca cháo nóng hổi vào những chiếc bát nhựa, cặp lồng đang đưa ra chờ đợi. Đáp lại những tiếng giục giã, người này chỉ tếu táo mong mọi người bình tĩnh. Chưa đầy 15 phút sau, cháo hết veo, người múc phải nghiêng thùng để lấy cho bệnh nhân cuối cùng.
Hai bố con người Thanh Hóa nằm viện đã được 2 tháng, chiều thứ ba và thứ bảy nào cũng rủ nhau xuống sân đợi cháo. Dắt đứa con gái 4 tuổi tay vẫn cắm dây truyền, người cha cẩn thận xách cặp lồng cháo nóng lách người qua đám đông xuýt xoa: “Có được bát cháo như này, đỡ bao nhiêu tiền”.
Chiều thứ ba và thứ bảy hàng tuần, nhóm “Hướng thiện” gồm những thanh niên từng một thời lầm lỡ, giờ “gác kiếm”, mang cháo vào chia sẻ với bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội (còn gọi là K2). Đã gần 2 năm nay, họ thoắt đến với người bệnh rồi lặng lẽ ra về khi thùng cháo hết sạch. Nhắc tới họ, bệnh nhân ở đây quen gọi đó là “cháo của các chú có hình xăm”.
Cháo ninh xương thịt của các thành viên từng có quá khứ lầm lỗii được người bệnh đánh giá là ‘ngon nhất’.. Ảnh: Bình Minh. |
Theo anh Phạm Anh Tuấn, thành viên của nhóm “Hướng thiện”, nhóm được thành lập từ năm 2011 do anh Đỗ Minh Hòa, một người từng lĩnh án tù, làm trưởng nhóm. Hơn 20 thành viên từng có quá khứ tù tội được anh Hòa, giờ đã là doanh nhân thành đạt, tạo công ăn việc làm tại nhà hàng, hồ câu và cửa hàng cho thuê xe của gia đình anh.
Không muốn nhắc lại quãng thời gian lạc lối, người đàn ông đó gói ghém câu chuyện cuộc đời mình bằng giọng nói hân hoan về công việc thiện nguyện hiện tại. Mọi lần đi phát cháo sẽ có vợ chồng anh Hòa, anh Tuấn và một tài xế nhưng hôm nay, trưởng nhóm có việc bận nên vắng mặt. Bởi thế, công việc của anh Tuấn cũng bận rộn hơn.
Chưa đầy 15 phút, thùng cháo hết veo. Anh Tuấn (áo kẻ) phải nghiêng thùng múc cho người cuối cùng. Ảnh: Bình Minh. |
Người nấu chính là chị Hương, vợ trưởng nhóm. Chị cùng một vài nhân viên nữa chuẩn bị từ sáng, đi chợ, nhóm lò rồi ninh cháo. Mỗi nồi cháo được nấu từ 4,5 kg gạo tám thơm, 2 kg xương và 1,5 kg thịt nạc. Gạo không được lẫn nếp vì bệnh nhân mổ không ăn được đồ nếp.
Nấu xong, cháo được cho vào thùng cách nhiệt rồi chở bằng ôtô tới viện. Anh Tuấn khoe, anh không biết nấu nhưng là người nhóm lò, đun nước và trực tiếp đi phát cháo. Khi cháo được mang tới viện, một người sẽ chịu trách nhiệm đi tới từng phòng để mời bệnh nhân ra nhận đồ ăn.
Nhớ lại ngày đầu tới đây, người đàn ông này không quên được ánh mắt ngại ngùng, tò mò xen lẫn sợ hãi của người bệnh khi trông thấy các thành viên trong nhóm đầu trọc, mình đầy hình xăm vào tận phòng mời họ ra lấy cháo. “Anh em trong nhóm ai cũng có hình xăm cả. Dần dần, bệnh nhân mới dám ra và khi không sợ nữa, họ hào hứng chờ đợi cháo của chúng tôi mỗi tuần”, anh Tuấn nói.
Lý giải cho việc nhóm chọn Bệnh viện K2, dân “anh chị” một thời chia sẻ, hầu hết những bệnh nhân vào viện này dường như đã chắc “án tử”, hoàn cảnh nghèo khổ lại ở tỉnh xa về. Quá trình điều trị dai dẳng, tốn kém khiến họ kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, một bát cháo thịt miễn phí vào hai buổi hàng tuần giữa đất Hà Nội khiến họ ấm lòng. Bản thân những người lầm lỡ giờ đã “quay đầu” như anh cũng thấy lòng mình thanh thản.
Mẹ anh Tuấn từng mắc bệnh ung thư nên anh hiểu phần nào nỗi đau đớn, vất vả của cả người thân và bệnh nhân. Bởi vậy, khi hoàn lương, được ông chủ hướng đến hoạt động thiện nguyện, anh đã tham gia cho tới giờ. Mỗi lần đến, thấy bệnh nhân cầm cặp lồng đứng vây quanh với ánh mắt vui sướng, cả những giọt nước mắt xúc động khi bưng bát cháo, anh Tuấn cùng các thành viên trong nhóm cũng vui lây.
Ngoài cháo của nhóm anh Tuấn, bệnh nhân ở K2 cũng thường nhận được những suất cơm, cháo miễn phí của các nhóm thiện nguyện khác. Một trong những nhóm thâm niên nhất ở đây này là tổ nấu, phát cháo miễn phí của chùa Linh Sơn, Thanh Nhàn, Hà Nội, do các cụ hưu trí xã Tam Hiệp phụ trách. Suốt 9 năm qua, nhóm nấu cháo từ thiện do bà Cao Thị Nghít (66 tuổi) làm trưởng nhóm vẫn đều đặn dậy từ 4h sáng mỗi ngày chuẩn bị cháo cho bệnh nhân.
Theo bà Nghít, 13 thành viên của nhóm đều là công nhân của một công ty xây dựng đã nghỉ hưu, nhiều cụ đã hơn 70 tuổi. Không ít cụ đã qua đời, nay con cháu họ lại tiếp tục công việc. Trong số 13 người có 4 người nấu chính, số còn lại luân phiên nhau đi phát cơm, cháo hàng sáng. Thông thường, cháo được phát lúc 6h sáng, 9h trưa sẽ có cơm đưa từ chùa xuống.
Bí đỏ và su su cất tại nhà bà Nghít. Công việc mua rau, củ nấu cháo được giao cho một thành viên nhà gần chợ đầu mối. Ảnh: Bình Minh. |
Để có nồi cháo sánh đặc, thơm ngon, các thành viên trong nhóm bà Nghít sẽ sơ chế su su, bí đỏ, nhóm hai bếp lò 12 viên từ chiều hôm trước rồi ninh cháo qua đêm bằng nồi gang đặc dụng. Sáng sớm hôm sau, họ đi lấy thịt lợn ở cửa hàng đặt sẵn rồi mang về chế biến trước khi nấu cùng cháo. Su su và bí đỏ được giao cho một cụ nhà ở gần chợ đầu mối Văn Điển mua.
Trưởng nhóm cho hay, mỗi ngày các bà nấu 13 kg gạo, tính ra mỗi lạng gạo có kèm thịt, rau, củ, quả sẽ cho 3 bát cháo.
Gần 10 năm qua, dù mưa, bão, bà cùng các đồng nghiệp cũ sống gần khu tập thể ở thị trấn Văn Điển vẫn không từ bỏ công việc của mình.
Ảnh: Bát cháo nghĩa tình ở Bệnh viện K2
Clip: Một ngày phát cháo từ thiện của nhóm giang hồ giải nghệ
Clip: Một ngày phát cháo từ thiện của nhóm giang hồ giải nghệ
Theo phòng Hành chính, Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội, mỗi năm có khoảng 100 đoàn thiện nguyện tới đây làm từ thiện, chủ yếu vào những dịp đặc biệt như Trung thu, Tết, 1/6. Trong số các khoa hay nhận được giúp đỡ, 85% dành cho khoa Nhi. Từ đầu năm 2013, các đoàn từ thiện sẽ phải làm đơn đăng ký với cán bộ phụ trách trước khi tới viện.
Chị Phạm Thị Hường, Y tá trưởng khoa Nhi, Bệnh viện K2 cho biết thêm, Hướng thiện và nhóm của bà Nghít là một trong số các nhóm thiện nguyện đến với bệnh nhân của viện hàng tuần. Những bệnh nhân điều trị ở đây đều có khó khăn về kinh tế nên những phần cơm, cháo từ thiện của các nhóm tình nguyện giúp đỡ họ rất nhiều. Các y, bác sĩ ở viện cũng thường xuyên chủ động tìm hiểu, chia sẻ hoàn cảnh của người bệnh để có hướng giúp đỡ hoặc giới thiệu cho tổ chức từ thiện.
“Hiện tại, ở khoa Nhi có 50 cháu đang điều trị. Nhìn các cháu trọc đầu thương lắm. Ngoài những lúc truyền hóa chất mệt mỏi, các cháu vui chơi, đá bóng suốt ngày. Hầu như các bệnh nhi không tỏ ra bi quan. Có cháu ở đây từ năm 10 tuổi, giờ đã học đại học rồi”, chị Hường chia sẻ.
|
Bình Minh
Clip: Thanh Tùng
Clip: Thanh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét