Tác giả: Phạm Thu Hường
Chào các bạn,
Lịch sử Phật giáo có một tình tiết thú vị là Thái tử Tất Đạt Đa (con vua Tịnh Phạn của nước Ấn Độ xưa, sinh năm 624 trước CN) sau sáu năm tu hành khổ hạnh trên núi không thành, ra khỏi rừng sâu đến bên bờ sông Ni-liên-thiền tắm rửa thì tay chân và thân thể không còn sức, Ngài ngã xuống đất hôn mê. May sao có một người nữ chăn dê tên là Tu-xà-đa thấy thế liền mang sữa dê đến cho Thái tử uống. Sau khi uống sữa dê xong, Thái tử dần dần hồi phục được sức khỏe và Ngài đã ngồi thiền 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề rồi đắc đạo thành Phật (hiệu là Thích Ca Mâu Ni). Lúc này, Ngài mới ba mươi tuổi. (http://tuvien.com/phat_hoc/show.php?get=1&id=154niemtinpg02).
Lịch sử Phật giáo có một tình tiết thú vị là Thái tử Tất Đạt Đa (con vua Tịnh Phạn của nước Ấn Độ xưa, sinh năm 624 trước CN) sau sáu năm tu hành khổ hạnh trên núi không thành, ra khỏi rừng sâu đến bên bờ sông Ni-liên-thiền tắm rửa thì tay chân và thân thể không còn sức, Ngài ngã xuống đất hôn mê. May sao có một người nữ chăn dê tên là Tu-xà-đa thấy thế liền mang sữa dê đến cho Thái tử uống. Sau khi uống sữa dê xong, Thái tử dần dần hồi phục được sức khỏe và Ngài đã ngồi thiền 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề rồi đắc đạo thành Phật (hiệu là Thích Ca Mâu Ni). Lúc này, Ngài mới ba mươi tuổi. (http://tuvien.com/phat_hoc/show.php?get=1&id=154niemtinpg02).
Đây là một câu chuyện mang đậm ý nghĩa Trung đạo (con đường giữa) của Phật giáo, vì khi đó Thái tử là một vị đạo sĩ Bà-la-môn khổ hạnh, thuộc giai cấp trên không thể gần gũi giai cấp hạ tiện, và đạo sĩ thì không thân cận phụ nữ, mà nhận uống sữa dê từ một người phụ nữ chăn dê. Sữa dê, ngày nay vẫn bị cấm uống trong Phật giáo đại thừa khi ăn chay, vì cho là sữa cũng như thịt. Đạo sĩ tu khổ hạnh mà uống sữa dê là “tội lỗi” lớn. Điều này đã khiến cho năm anh em Kiều Trần Như cho rằng thái tử đã thối thất tâm đạo, bỏ đường khó tìm đường dễ.
Sau khi đắc đạo, Ðức Phật gặp lại năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển và đã khai thị (mở mắt) cho họ bằng bài pháp đầu tiên, Kinh Chuyển Pháp Luân (sau này trở thành lời giảng đầu tiên, căn bản nhất, cho mọi Phật tử).
Lời Kinh này được ghi lại trong Tương Ưng Bộ Kinh, chương 56, đoạn 11 (bộ Kinh của Phật Giáo Nguyên Thủy) (Xem http://old.quangduc.com/file_chinh/view-detail-1265-139-62-kinh_pali.html).
Bài Pháp này có ba phần chính, bao gồm Trung Đạo, Tứ diệu đế, và Bát chánh đạo. Tìm hiểu về kinh sách đem lại rất nhiều lợi lạc cho chúng ta trong đời sống hàng ngày, vừa tăng thêm hiểu biết, rèn luyện tư duy, vừa được gần những bậc Thiện tri thức thông qua kinh sách.
Bài viết này tập trung vào phần đầu tiên trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Trung Đạo hay con đường giữa.
Kinh viết:
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
2) Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỳ-kheo:
- Có hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?
3) Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Đức Phật trước hết khẳng định hai cực đoan nên tránh xa, vì không liên hệ đến mục đích, tức là không dẫn đến giác ngộ, tĩnh lặng an bình. Hai thái cực đó là (1) dễ dãi đắm chìm trong dục lạc, vì không dẫn đến hiểu biết, trí tuệ và (2) tự hành khổ mình, vì đã tự mình chứng ngộ khi từ bỏ con đường hành xác.
Thái độ không thái quá, hài hòa giữ chừng mực này rất gần với Trung dung của Khổng giáo, tuy nhiên Trung dung là một lề luật rất khắt khe: “Thầy Trình tử nói rằng : không lệch gọi là trung, không thay đổi gọi là dung; trung là đường chính trong thiên hạ, dung là lẽ nhất định trong thiện hạ. Vì sao đạo không thực hành được, ta biết rồi vậy, vì người trí thì vượt qua, kẻ ngu thì không tới”, nhìn kĩ gần giống như một “cực đoan thứ ba” vậy ^^.
Sau này, con đường Trung Đạo trong Phật giáo được phát triển từ Phật giáo Nguyên Thủy (hay Tiểu Thừa) đến Phật giáo Đại thừa thì trở nên linh động tuyệt đối, đó là con đường Trung Đạo của Bát Nhã Tâm Kinh:
Sắc bất dị không không bất dị sắc
Sắc tức thị không không tức thị sắc
Sắc tức thị không không tức thị sắc
Dịch:
Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc
Sắc tức là không, không tức là sắc
Sắc tức là không, không tức là sắc
Ta không nói cuộc đời mộng ảo không có thật. Đó là chấp không.
Ta cũng không nói cuộc đời rất thực. Đó là chấp có.
Ta nói đời là phù du mộng ảo nhưng mà trường tồn vĩnh cữu. Trường tồn vĩnh cửu nhưng mà mộng ảo.
Không chấp vào hai cực đoan “có, không”, chọn con đường giữa “có mà là không, không mà là có”, đó là Trung Đạo của Bát Nhã Tâm kinh. (Xem “Trung đạo: con đường sắc không” của TĐH).
Con đường Trung Đạo của Phật giáo, vì tính linh động của nó mà Phật nói có đến 84 nghìn pháp môn tu, không phải dính cứng vào một pháp nào để đạt đến giác ngộ, đủ cho mỗi chúng ta tìm được một con đường đi riêng của mình, không ai giống ai. Thật giống như trong Toán học, giữa hai điểm chỉ có một trung điểm chính giữa nhưng lại có vô số điểm ở giữa vậy.
Chúc các bạn tìm được con đường đi độc đáo riêng của mình trên con đường tu thân.
Hẹn gặp lại các bạn trong các phần tiếp theo.
29/09/2013
Phạm Thu Hường
Phạm Thu Hường
Theo Đọt Chuối Non
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét