6/11/13

KẸT THANG MÁY? ĐỪNG SỢ!


Chào các bạn,
Quả thật nếu như bạn nào làm ở tầng 72 tòa nhà Keangnam mà leo bộ thì thật là đầu tháng leo lên, cuối tháng mới đến nơi mất.

Nhưng đang ở trong thang máy mà nó bỗng đột ngột dừng hoặc chạy giật cục, đèn tắt, thì tôi chắc chắn nhiều bạn sẽ hoảng hốt lên ngay.
Đừng sợ, hôm nay tôi sẽ chia sẻ cho các bạn một vài kỹ năng cần thiết để “kẹt thang máy chỉ là chuyện nhỏ” nữa mà thôi.
1. Trước nhất cần giữ bình tĩnh, hít thở sâu, nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra để mắt quen với bóng tối. Nếu la lối lên, không những vô ích mà còn có thể gây hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau nếu đông người cùng đi. Hãy yêu cầu, nếu cần, thì quát to để tất cả mọi người bình tĩnh.
2. Sau đó, dựa lưng vào tường, gần bảng điều khiển, nắm chắc tay vịn, hơi khuỵa gối đề phòng thang trôi tự do rồi đột ngột dừng lại (chỉ bỏ tư thế này khi thang đã đứng yên và phải quay lại tư thế này ngay khi cảm thấy thang không ổn định hoặc đang trôi).
3. Khi thang đứng yên và mắt đã quen với bóng tối, thì tìm cách liên lạc với bên ngoài: điện thoại, bấm nút khẩn cấp, gọi to, gõ vào cửa thang (nên lấy chùm chìa khóa, gót giày gõ, không nên giậm chân hay nắm tay nện vào cửa vì một số thang yếu dễ tròng trành làm ta mất bình tĩnh).
4. Trong trường hợp không nhận thấy tín hiệu từ bên ngoài, bạn gọi đường dây nóng của nhà cung cấp, lắp đặt thang máy trên bảng hướng dẫn sử dụng thường được dán trên vách cabin thang máy (nếu cúp điện thì dùng ánh sáng của điện thoại để soi tìm). Vì vậy nên đem điện thoại theo người mọi lúc mọi nơi.
Trường hợp không thể liên lạc với ai thì tìm vài vật kim loại cứng: chìa khóa xe, giũa móng tay, bấm móng tay, gót giày nhọn (chìa khóa xe tay ga là thích hợp nhất). Một tay đưa vật kim loại vào khe cửa và từ từ bẩy ra, tay kia hỗ trợ bám vào mép cửa kéo từ từ nhưng mạnh và dứt khoát. Lưu ý nếu dùng chìa khóa, ta lách chìa vào và vặn nhẹ nhàng như khi mở khóa, sau đó dùng sống chìa để bẩy cửa, tránh bẻ ngang chìa sẽ gãy.
Cửa hở đến đâu chêm vào đến đó (dùng bút, sách, ví, điện thoại v.v…). Trong lúc làm vẫn nên gọi to và gây động lớn báo cho người ngoài. Cửa hở ra khoảng 1,5cm là người bình thường có thể mở ra được. Gây tiếng động chứ tôi không nói là hoảng loạn nhé.
5. Khi cửa đã mở, xem thang đang ở vị trí nào. Nếu thang đang ở lưng chừng giữa 2 tầng thì ưu tiên xuống tầng dưới (lưu ý trong trường hợp thang ở lưng chừng thì ngay phía dưới cửa thang sẽ là hầm sâu nguy hiểm). Quan sát kỹ và nhảy ra ngoài dứt khoát và không quay trở lại thang, phòng khi đang đứng ngay cửa thang thì thang trôi xuống hoặc đi lên gây thương vong. Nếu không đủ can đảm để nhảy, hãy gọi to để những người bên ngoài tiếp cứu. Tuyệt đối không nhảy với để rơi xuống khoảng hầm nguy hiểm ngay dưới thang máy.
Với sự bình tĩnh và các kiến thức trên, là đủ để bạn có thể tìm cách thoát ra an toàn khi bị kẹt thang máy. Tốt hơn nữa, hãy “mày mò” thực tế tìm hiểu thang máy kỹ càng, đó cũng là cách trải nghiệm hữu ích, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng xử lý khi xảy ra sự cố nếu có.
Chúc các bạn một ngày an toàn. Hãy bình tĩnh, mọi việc đều sẽ có cách giải quyết!
Đặng Duy Linh
 Chuyên gia huấn luyện kỹ năng sinh tồn
Trung tâm đào tạo kỹ năng sinh tồn Việt Nam ,S-WAY GROUP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét