28/9/11

Những chiếc xe cà tàng ra thành phố


Tôi có anh bạn luật sự, tốt nghiệp ở Đà Lạt, rồi cắp cặp ra Hà Nội lập nghiệp từ 4 năm nay. Lũ sinh viên chúng tôi hồi ấy, vẫn hay bảo nhau rằng: Cái tinh thần ấy đáng để lũ trò chúng tôi, lũ sinh viên xứ Nghệ noi gương...
Đi làm thuê 2 năm, anh gom góp tiền cùng bạn mở văn phòng Luật, nghĩ cũng mừng. Mừng cho anh, và mừng cho cả cái con đường mở ra  nhiều vừng sáng cho những ai tay trắng ra thành thị.
Bẵng đi một thời gian, anh gọi cho cả lũ chúng tôi. Mấy anh em làm bữa nhậu, tưởng vẫn chỉ là lâu ngày hàn huyên, lè nhè đôi chén! Hôm ấy, anh  có vẻ trầm tư hơn, và cũng uống "ngọt" hơn ngày thường. Rồi bất giác, anh cầm chén lên, lại ngựng xuống, bảo: Chén này, anh chào các chú ở lại mạnh khỏe. Tuần tới anh về quê lập nghiệp!
Cả lũ khựng lại, hếch mắt lên, mà cũng chẳng biết nói gì. Vỡ chuyện, hóa ra văn phòng luật của anh thất bại, mỗi anh em trong hội hùn vốn mất mỗi người 50 triệu.
Lúc ấy, không hiểu vì sao tôi chợt nghĩ: những người trẻ như anh, như tôi, như các anh em ngồi đây, hay ngoài kia nữa. Từ tỉnh lẻ lên thủ đô lập nghiệp, sao giống quá với những chiếc xe cà tàng lên thành phố...

Tôi có hai cậu bạn, một đang học ở Hà Nội, một lên Thái Nguyên dạy học, cùng chung một chiếc xe cà tàng để tán gái. Thế mới có chuyện, chàng ở Hà Nội chỉ dám hẹn bạn gái đi chơi trong tuần, vì cuối tuần phải nhường xe cho cậu bạn ở Thái Nguyên về theo "hợp đồng".
Càng nghĩ, tôi lại càng tâm đắc với cái cách so sánh của mình. Những chiếc xe cà tàng, và những chàng sinh viên, cử nhân, kỹ sư tỉnh lẻ trụ lại Hà Nội. Điện thoại cục gạch (phố biến là 1200, 1208, 1100i, hay Blackberry đen trắng, đời đầu,...), xe máy: xe tàu cũ, hay những chiếc xe cà tàng dăm ba triệu. Loại xe chạy trên đường thủ đô, vốn ồn ào nên đỡ thẹn. Vì cái gì cũng kêu leng keng, trừ ....còi!



Nói đến học sinh, sinh viên xứ Nghệ, thì ngoài con vài ba đại gia, con cái quan chức ra thì toàn là những chiếc xe cà tàng như nhau cả. Tôi lại nhớ tới Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn Phòng quốc hội. Ông có lần đã thốt lên trong 1 cuộc phỏng vấn rằng: Không chỉ tôi, mà học sinh xứ Nghệ ai cũng nghèo thế cả.
Nhắc đến ông, nói về cái nghèo, nhưng cũng là muốn tự vấn an mình: Nghèo rồi cũng có người vươn lên được bằng chính đôi bàn tay mình, bước đi trên chính đôi chân mình như Nguyễn Sĩ Dũng.

Ôi! Lại vẩn vơ xa đẩu xa đâu rồi. Nhìn quanh mình, chiếc Đờ-rem tàu cũ, và chiếc BlackBerry là thật hơn cả.
À, vẫn còn một thứ thật hơn thế: Khát vọng - và ước mơ của một người con xứ Nghệ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét