31/7/13

Để có những người bay: Thầy dạy bay và bầu trời bay

Posted by Người Bay


Nguyễn Đức Lam
Nghiên cứu lập pháp




Thực tế của nền giáo dục hiện nay khiến tất cả phải tự hỏi, không có lẽ chúng ta cả năm này qua năm khác cho ra trường đời những "chú gà công nghiệp" mãi sao? Đâu rồi những chú chim ưng dũng cảm, kiêu hãnh, tung cánh vào bầu trời khoáng đạt, bao la? Làm thế nào để có những chú chim ưng biết bay và dám bay? Điều này lại phụ thuộc vào tất cả thầy và trò, ngành giáo dục, gia đình và cả xã hội...



Trước hết, học trò có muốn là chú chim ưng trên núi đá kia không, hay chỉ muốn suốt đời như chú gà công nghiệp yên ổn trong chuồng? Quả thật có những người thầy đã dạy theo cách khơi gợi, hướng dẫn, nhưng học sinh, sinh viên lại kêu là "dạy không đúng sách giáo khoa". Nghĩa là những sinh viên này muốn kiến thức được "đóng hộp" và trao cái hộp đó cho họ, hay nói cách khác, họ muốn được mớm những thứ thức ăn tăng trọng có sẵn, mà không muốn tự mình tìm mồi.
Tiếp đó, ai là người dạy bay? Không ai khác ngoài người thầy. Thế nhưng, sự thụ động của học trò cũng do nhiều thầy cô còn giữ cách dạy khuôn sáo, tẻ nhạt thậm chí nhồi nhét kiến thức, làm tê liệt lòng ham muốn và khả năng sáng tạo của học trò. Và trớ trêu thay, ít nhất vài thế hệ thầy cô giáo hiện nay lại chính là sản phẩm của nền giáo dục từ chương, bởi vậy khó mà hình dung được lớp giáo viên đó đột nhiên thay đổi bản chất của mình để thay đổi cách thức sư phạm, bắt đầu khi dậy sự suy nghĩ độc lập của học trò, hơn nữa biết chấp nhận sự phản biện nghi vấn, chấp nhận và khuyến khích trò "biết cãi lại".
Tác giả cuốn “Dạy con làm giàu” đã đưa ra cách phân biệt "tài sản" và "tiêu sản", theo đó tài sản là những thử sinh ra thu nhập, còn tiêu sản là những thứ sinh ra chi phí, người giàu là người biết mua tài sản, nên nó làm cho người giàu càng giàu hơn, trái lại, người nghèo mua phải tiêu sản mà họ nghĩ là tài sản, nên suốt đời cứ luẩn quẩn phụ thuộc vào tiền, mà không biết cách bắt đồng tiền phục vụ mình. Có lẽ cách dạy và họe hiện nay của chúng ta cũng như vậy: lệ thuộc vào kiến thức, thậm chí là nô lệ của kiến thức, mà không bắt kiến thức phục vụ mình. làm giàu cho khối óc mình. Người thầy, như nhà văn Nguyên Ngọc nói, là người không chỉ truyền đạt "kiến thức", mà bày cho học trò cách biến "kiến thức" thành "tri thức", tức là thực sự "ngộ" ra, chiếm lĩnh kiến thức, thoát ra khỏi nó, vượt lên nó, tự làm giàu, làm mới tri tuệ của mình đến suốt đời.
Vậy thì biến kiến thức thành tri thức như thế nào? Sau đây là một vài bài học về cách dạy ở các trường Đại học ở Singapore: Giáo sư không chỉ đưa ra dàn bài, mà khuyến khích sinh viên tự tìm ra các chủ điểm khác không có trong dàn bài để đưa ra thảo luận, chưa hết, giáo sư còn ghi chú: "các thông tin cập nhật sẽ được điểm cao". Như vậy, người thầy đã không ngại sinh viên cập nhật mới hơn mình, sẵn sàng đón nhận thông tin từ sinh viên. Đồng thời, dạy và học theo vấn đề (problem-based teaching & learning), theo tình huống (case study), học tập suốt đời (long life learning) được nhắc đến nhiều như những cách, những phương pháp mới để hấp thụ tri thức.
Chú chim ưng đã muốn bay, đã biết bay, nhưng bầu trời đâu? Môi trường giáo dục nào? Suốt hàng bao thế kỷ, người Việt có quan niệm "nửa chữ cũng là thầy"? Nếu coi đây là truyền thống "tôn sư trọng đạo" thì không phải bàn luận thêm. Nhưng mặt khác, phải chăng vì có phần tâm lý như thế, nên việc dạy học ở ta từ bao đời nay thường diễn ra một chiều từ người thầy phán xuống (chứ không phải truyền sang, chưa nói đến chiều phản hồi ngược lại). Bên cạnh đó, tâm lý học để thi ra làm quan, vinh thân phì gia theo những khuôn mẫu như thuộc làu Tứ Thư, Ngu Kinh, biết viết các bài chiếu, bài biểu, làm thơ... nên thói quen "tầm chương trích cú” ăn sâu trong các đời học trò, học thuộc, phụ thuộc là chính, thầy là người dạy chữ của thánh hiền, mà thánh hiền nhiều khi lại tượng trưng cho chân lý, nên trò chỉ biết nghe theo, việc dạy và học theo cái vòng quay đó mà diễn ra. Ngày nay, nền giáo dục "tạo ra nhu cầu giả tạo buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ, tập cho họ thói quen dựa dẫm vào thầy, ngại tự học, ngại tìm tòi, suy nghĩ độc lập, cho nên cứ rời thầy ra, rời nhà trường ra là y như những con gà công nghiệp mới ra ra khỏi chuồng đã luống cuống tìm cách chui lại vào chuồng (GS.Hoàng Tụy).
Hơn nữa, ở ngoài đời, nơi công sở, đâu đây các bậc bề trên vẫn có cái nhìn kì thị vớnhững người trẻ dám "nói leo", "cãi leo lẻo". Không ít các quan chức tụ tập, quây quần quanh mình những người thân trong gia đình, họ tộc cấp dưới vì là bậc con cháu không dám phê bình, lật ngược vấn đề mà chỉ biết phục tùng, hoặc im lặng, ngược lại, cấp trên vì là bậc cha chú nên cũng gia trưởng, độc đoán. Nhu cầu nào thì sản phẩm đó. Ngoài đời chỉ ưa những người ngoan ngoãn, phụ thuộc thì nhà trường cũng cho ra lò những người như thế, bởi nếu khác đi sẽ không được dùng đến.
Đúng như các nhà giáo dục và trí thức hàng đầu của nước ta kêu gọi, chấn hưng nền giáo dục hiện nay là mệnh lệnh từ cuộc sống. Vì thế, nó phải được khởi động và diễn ra từ hai chiều: từ trên xuống và quan trọng hơn - từ dưới lên, trong đó, nên bắt đầu từ mỗi cô cậu học trò nhỏ. Để nền giáo dục có thể cho ra đời những người bay, xin mượn ý câu thơ của nhà thơ Trần Dần:
“Tôi tiếc cho những chân trời không có người bay, và tiếc cho những người bay không có chân trời…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét