11/6/14

SỐNG LÀ TRANH ĐẤU ?

Chào các bạn,
Victor Hugo có bài thơ “Ceux qui vivent, ce sont ceux qui luttent” (những người sống là những người tranh đấu), sau này người ta nói tắt lại: “vivre c’est lutter”, sống là tranh đấu.
Dù muốn dù không thì mọi chúng ta đều tranh đấu—vì cơm ăn áo mặc, công việc, lý tưởng chính trị xã hội, lý tưởng tôn giáo, chống nghèo đói, mang ánh sáng cho đời… Rồi chúng ta sẽ chết đi, và sẽ có người kế nghiệp ta tranh đấu như ta, ngay cả tranh đấu cho lý tưởng ta đã từng phục vụ. Hết thế hệ này đến thế hệ kia đều như thế và cuộc đời vẫn cứ như thế, vẫn có từng ấy thứ để các thức giả tranh đấu và phục vụ. Tức là rốt cuộc, nói như sách Ecclesiastes (Giảng viên) trong Thánh kinh thì “Mọi thứ đều vô nghĩa”.

Bởi vì nhìn trong toàn cảnh vĩ mô của nghìn năm, triệu năm, thì mọi thế hệ đều tranh đấu cho công lý, lẽ phải, bình đẳng, hạnh phúc, hòa bình… và mọi thứ đó vẫn sẽ phải tiếp tục được tranh đấu cho đến muôn đời.
Như là kiến bò miệng cối, đi mãi cũng chỉ ở trong một vòng tròn.
Nếu mọi tranh đấu đều không bao giờ chấm dứt, đều chỉ là miệng cối, thì làm sao nhân loại có thể thoát ra khỏi miệng cối đó? Hay số phận con người là phải bò miệng cối?
Tranh chấp là lý lẽ, lý đi qua lẽ trả lại, hai chiều đấu nhau không bao giờ dứt.
Để vượt qua được vòng tròn lẩn quẩn của miệng cối, chúng ta phải vượt qua khỏi tầng tranh chấp, đến tầng tĩnh lặng và yêu thương. Tĩnh lặng và yêu thương thì ta sẽ không đẩy ai đi đâu cả. Ta có tình yêu để mời gọi mọi người đến với nhau và yêu nhau—yêu nhau thật sự, trong tánh Phật của mình, trong Thiên chúa của mình—thì mọi tranh chấp có thể chấm dứt, và tình yêu, hòa bình và hạnh phúc có thể nẩy nở.
Hòa bình và hạnh phúc đòi hỏi một bước nhảy vọt của tâm thức con người. Vượt lên tầng tranh chấp, đến tầng tình yêu và hòa bình.
Tranh chấp không thể chấm dứt bằng một ý thức hệ chiến thắng mọi ý thức hệ khác, vì tư tưởng là tự do, tư tưởng chẳng thể đè bẹp nhau được. Luôn luôn có những ý thức hệ khác nhau chống đối nhau.
Nhưng tình yêu thì luôn đến với nhau và không chống nhau. Cho nên hạnh phúc, trong mọi truyền thống tâm linh, đều lấy yêu người vô điều kiện làm nền tảng.
Victor Hugo có thể đúng bề mặt, nhưng ở bề sâu, Phật Thích Ca lẫn Chúa Giêsu đều dạy yêu tất cả mọi người vô điều kiện. Đó là chấm dứt mọi tranh chấp, trước hết là trong chính mình, sau đó là trong thế giới của mình.
Chúc các bạn luôn yêu thương tất cả mọi người.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét