12 năm ròng học phổ thông, có những lúc tôi đã giữ chức cực
kỳ lớn lao ở bậc tiểu học, đó là…Chi đội phó toàn trường. Song tựu trung lại,
tôi đích thực là một “gã câm” không hơn không kém!
Tôi tự ti về giọng nói của mình. Chua như nuốt dấm, khàn như
vịt đực. Nhiều người nghe cứ tưởng tôi bị cúm (nếu thế thì xin thưa tôi lúc nào
cũng cúm), hoặc thậm chí nghĩ tôi đang…dậy thì!!!
Năm lớp 4, trong một cuộc thi “Kính vạn hoa” của trường, tôi
cầm micro lên phát biểu thì nói được vài tiếng cả trường (các thầy cô lẫn học
sinh) cười ồ lên. Tôi tắc tị ngay lập tức, không thể trả lời hết câu hỏi!
Năm lớp 8, trong buổi kết nạp vào Đoàn TNCS HCM, tôi bị “dí
tốt” thay cho một bạn vắng mặt lên phát biểu cảm nghĩ. Tôi ấp a ấp úng, tôi nói
bằng giọng không của chính mình, mà
chính tôi nghe ù ù không thể nhận ra đó là mình đang nói. Tôi phát biểu đứt
quãng, rồi đành chấp nhận về chỗ trong thảm cảnh mặt đỏ bừng, mồ hôi tí tách, bạn
bè thì cười há hố khoái chí như xem hề. Chưa bao giờ tôi cảm thấy xấu hổ đến thế.
Đó chính là lý do kể từ đó đến khi học cập 3, tôi trở nên lầm
lì hơn. Năm lớp 10, lớp tôi có bình chọn các “ngôi sao” của lớp, tôi được vinh
danh là “Kẻ lạnh lùng nhất”. Tôi chấp nhận, vì tôi không mấy khi nói trừ
khi...bắt buộc!
Thực ra, tôi không chỉ tự ti về giọng nói. Mà còn bởi tôi
luôn cảm thấy suốt thời học sinh rằng, cái đầu mình…hoàn toàn rỗng. Một khi bạn
nghĩ rằng mình thua kém về kiến thức so với bạn bè thì bạn chẳng dám…mở miệng
ra một cách mạnh dạn được.
Tội sợ mọi phát ngôn của mình đều ngay lập tực bị…bẻ quặp một
cách đơn giản và đau đớn.
Và cuối cùng, nếu tôi tự tin và tôi có nhiều kiến thức thì
tôi vẫn chỉ là một kẻ nói theo bản năng mà thôi.
Tôi phải thú nhận rằng, tôi chưa bao giờ được khuyến khích
nói. Ông nội thường cà ràm tôi rằng: Con nít, toàn nói nhăng nhít!
Còn trong các cuộc họp mặt gia đình, việc của lũ trẻ như tôi
là im lặng và lắng nghe người lớn nói chuyện. Cấm ý kiến! Hoặc tệ hơn, tôi từng
bị đuổi xuống “nhà nhỏ” để “người lớn” nói chuyện. Ấm ức vô cùng!
Thế đấy bạn ạ, thiếu tự tin, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng.
Ba điều đó biến tôi thành một... “gã câm” đích thực.
Ai đã từng trải qua những điều tồi tệ như thế, hẳn sẽ đồng ý
rằng một góc độ nào đó, chúng ta đích thực là những gã câm.
Cho đến khi lên đại học, “gã câm” là tôi thay đổi!
Bạn có muốn biết hành trình “gã câm” đó lột xác thành một diễn
giả chuyên nghiệp như thế nào không?
Hồi sau Bạn sẽ rõ!
(Còn nữa)
Diễn giả Đặng Duy Linh