15/8/13

Đời sống mới của sách cũ






Với sự hỗ trợ của những phương tiện tân tiến trong cuộc sống hiện đại, những cuốn sách cũ giờ đây đã có một sức sống mới cả trên mạng internet lẫn ngoài đời.

Không chỉ sôi động trên mạng, ngoài đời, những tiệm sách cũ hằng ngày vẫn tiếp đón khá đông người mua sách thuộc đủ mọi thành phần, từ sinh viên, người hưu trí đến giới sưu tầm sách cũ.
Thời của sách cũ
Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, có hàng loạt trang Facebook chuyên bán sách cũ xuất hiện như: Sách cũ xưa nay, Sách cũ Sài Gòn, Booksale, Ai sách cũ đơi, Sách cũ Hà thành...
Mỗi lần các trang này đăng tải hình ảnh và thông tin về những cuốn sách cũ, ngay lập tức có người "like" và đặt sách. Sau đó, các giao dịch mua bán được tiến hành giữa "chủ tiệm" và khách hàng.
Hiện giới mua bán sách cũ đang hoạt động khá sôi nổi trên một số diễn đàn, điển hình như phomuaban.vn, trong đó đáng kể nhất là diễn đàn sachxua.net. Theo một người trong giới, diễn đàn ra đời vào tháng 10/2008, do một người sinh năm 1987 thành lập.
Tại thời điểm ngày 7/8/2013, diễn đàn có 409.548 bài viết về 14.202 chủ đề, được gửi bởi 13.414 thành viên. Diễn đàn sachxua.net được xem là "đại bản doanh" của sách cũ, ở đó thành viên sẽ được chia sẻ thông tin, những câu chuyện về sách hay giao dịch mua bán.
Nhờ những trang mạng này mà dường như đã không còn ranh giới giữa thế giới "ảo" và thế giới thật. Phạm Quang Huy, sinh năm 1986 tại TP.HCM nhưng đã có 8 năm theo đuổi đam mê sưu tầm sách cũ, hầu như tháng nào cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tìm kiếm những cuốn sách mình cần tại các hiệu sách cũ trong thành phố hay các vùng lân cận.
Có tháng Huy chi phí cho đam mê này lên tới 10 triệu đồng. Quang Huy cho biết: "Tôi sưu tầm sách cũ để đọc là chủ yếu. Sau khi chia sẻ trên mạng, nếu có ai cùng thích và có dư thì tôi sẽ bán lại cho họ. Hoặc trường hợp có ai đặt hàng thì tôi sẽ tìm giúp họ. Tôi bán "văn nghệ” là chính, theo kiểu bù qua sớt lại để có thể theo đuổi đam mê hơi tốn kém này".
Trong buổi "offline" của trang Facebook Sách cũ xưa nay vào đầu tháng 8 tại một quán cà phê trên đường Hồ Hảo Hớn, Q.1, diễn ra từ 8 giờ 30 - 17 giờ cùng ngày, ông Vương Văn Giang, "chủ tiệm", đã mang tới 1.500 cuốn sách cũ với đủ thể loại.
Từng bán sách cũ tại Sài Gòn vào năm 1977, ba năm sau, vì lý do đi làm xa nên ông Giang buộc phải tạm nghỉ. Mãi đến năm 2011, sau 6 tháng lên mạng thăm dò, nhận ra đây là thị trường đầy tiềm năng nên ông quyết định quay trở lại công việc bán sách cũ. Khác với trước đây, ông Giang không mở tiệm mà chỉ bán trên mạng.
Thị trường đầy tiềm năng
Hiện tại, ông Giang đang có trong tay nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, được xem là vở opera đầu tiên của Việt Nam. Quyển sách có thủ bút của tác giả và thời gian tác giả ký trên là năm 1966. "Cuốn này tôi may mắn mua được từ một người mua ve chai.
Tôi muốn giữ lại vì khó mà có bản thứ hai. Đã có người hỏi mua nhưng tôi chưa bán vì chưa biết định giá như thế nào cho phù hợp", ông Giang cho biết.
Buổi "offline" của Sách cũ xưa nay không chỉ thu hút nhiều bạn đọc tại TP.HCM mà còn có khá đông những người yêu sách tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương. Với lượng người chơi đông như thế, tất nhiên giá sách cũ cũng "nhảy múa" loạn xạ.
Không ít người vẫn lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm để tìm mua những ấn bản trước đây dù giá của chúng không "cũ” chút nào. Hiện tại, cuốn tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà đã được NXB Trẻ tái bản, bìa được thiết kế đẹp, in giấy "xịn" và chỉ bán với giá 130 ngàn đồng.
Với bản in lần thứ hai, Cơ hội của Chúa "rút túi" của những "con nghiện" sách cũ 170 ngàn đồng. Đặc biệt, với bản in đầu tiên, con số đó là 200 ngàn đồng. Tương tự, cuốn Mê lộ của Phạm Thị Hoài do NXB Phú Khánh xuất bản năm 1989 được bán với giá 350 ngàn đồng.
Với giới sưu tầm và yêu thích sách cũ, những cuốn sách xuất bản trước năm 1975 vẫn có sức quyến rũ khó cưỡng. Đơn cử như những tác phẩm của Duyên Anh, có cuốn giá chỉ 550 ngàn đồng, nhưng cũng có cuốn, như Dấu chân sỏi đá, được bán với giá 800 ngàn đồng.
Tuy nhiên, những con số trên vẫn chưa phải là cao nhất. Hồi tháng 1 năm nay, trong buổi "offline" sách cũ của Nhã Nam thư quán, quyển bút ký Sông Đà bản in năm 1978 (NXB Tác phẩm mới), có chữ ký của Nguyễn Tuân được bán 4 triệu đồng tại phiên đấu giá.
Theo dân chơi sách cũ, con số này sẽ không dừng ở đó mà còn tăng lên nữa với những bản sách có kèm chữ ký, thủ bút của các nhà văn khác như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê...
Theo Phạm Quang Huy, dân chơi sách cũ không ít như nhiều người lầm tưởng. Do vậy, những buổi "offline" sách cũ là cơ hội để cùng trao đổi về sách.
Dù những buổi "offline" hay những phiên giao dịch còn mang tính cá nhân nhưng những gì cộng đồng chơi sách cũ đã và đang làm cũng là những tín hiệu vui cho những người yêu sách.
Còn quá sớm để nhận định phong trào chơi sách cũ có tác động mạnh mẽ đến văn hóa đọc hay không, nhưng một khi đã trở thành thói quen, niềm đam mê thực sự thì phong trào này sẽ mang tính lâu dài.
Và đương nhiên, đây là một thú vui tích cực và lành mạnh nên mọi người có quyền kỳ vọng vào điều đó.


HỒ HUY SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét