15/8/13

Thành công nhất là trở thành một ông bố tử tế

Đức Hải là một trong những nghệ sĩ khóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), “cùng lứa” với các diễn viên Chí Trung, Ngọc Huyền, Lan Hương, Lê Khanh, Minh Hằng…
Từng là giảng viên của Trường Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh trong hơn mười năm, hiện anh là Phó giám đốc O2TV (kênh truyền thông giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống) và là một ông bố gương mẫu của bốn đứa con.
Xem ra, Đức Hải ngoài đời không khác biệt mấy so với anh khi diễn trên sân khấu. Anh luôn tạo được cảm giác gần gũi qua cách nói chuyện chân thành và lối pha trò duyên dáng.

Tranh: Hoàng Tường
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với anh diễn ra tại một quán cà phê nhỏ ở quận Tân Bình, thỉnh thoảng lại bị cắt ngang vì anh phải vui vẻ bắt tay, chào hỏi những người quen ra vào quán.
*Nhiều người đánh giá anh là một diễn viên hài rất có duyên nhưng do kén vai diễn nên ít xuất hiện trên sân khấu, lại chỉ hay diễn ở các sân khấu lớn ngoài Bắc. Anh có lo thực tế ấy có thể làm khán giả phía Nam dần… lãng quên anh?
- Ai quên thì tôi đành chịu nhưng hiện tại, khán giả đối với tôi vẫn nồng nhiệt lắm. Do phải đảm bảo thường xuyên và liên tục công việc ở kênh O2TV nên tôi chẳng còn thời gian để chạy show nữa, nhưng khán giả ngoài Bắc dành cho nhiều tình cảm quá nên tôi mới phải bay ra, bay vào để trả “món nợ ân tình”.
Chuyện kén vai diễn, đòi cát-sê cao là hoàn toàn có thật vì tôi cần một nguồn thu nhập tốt để đảm bảo cuộc sống cho các con. Tôi một nách bốn con cơ mà! Nói không ngoa rằng các con tôi lớn lên nhờ “đôi dòng sữa bố” đấy.
* Có người kể rằng anh từng đựng tiền trong bao tải. Đó phải chăng là cách nói khác đi rằng anh kiếm được rất nhiều tiền?
- Không đâu, đó là cách nói chân thật đấy. Những đợt đi diễn ở tỉnh với các danh hài Xuân Hinh, Hồng Vân, Minh Nhí… hồi những năm 1998-1999 giúp tôi kiếm được rất nhiều tiền. Diễn ở miền quê thì tiền lẻ, chẵn, lớn nhỏ đều phải nhận và chia đều, trong đó rất nhiều tờ bạc mệnh giá 200 đồng, 500 đồng. Thế là tôi cứ nhét tất cả vào một bao tải.
Có khi 2 giờ sáng xe về tới Hà Nội, mình tôi ung dung đi về nhà với bao tiền trên vai, cũng chẳng nghĩ đến việc kêu một chiếc xe ôm. Vào ngõ, có người hỏi đi đâu khuya thế, tôi cười, trả lời là đi mua rau. Về đến nhà, một mình tôi ngồi đếm tiền đến không ngủ, mặt mũi xác xơ, mắt đỏ hoe. Sáng hôm sau, khi vào đến Nhà hát Tuổi Trẻ, mọi người xúm lại hỏi han: “Ốm à, khóc à?”.
*Phải chăng vì biết giá trị của đồng tiền như thế nên anh vào vai Thạch Sùng trong truyện cổ tích Thạch Sùng thiếu cái mẻ kho rất “ngọt”?
- Có lẽ là không, đến bây giờ tôi vẫn chưa biết cách giữ tiền đâu.
*Có vẻ như các vai diễn trên phim truyền hình của anh cũng thành công không kém các vai trên sân khấu, như lão Ki “nhà xác” trong Ảo ảnh trắng, nhà thiết kế Hùng Long trong Cô gái xấu xí hay vai thầy giáo trong Chuyện nhà Mộc
- Trung thực mà nói, không phải tất cả các vai diễn của tôi đều thành công. Tuy nhiên, một khi đã nhận thì tôi phải đầu tư thời gian và công sức để tạo nét đặc sắc hoặc độc đáo nhất có thể, ví dụ vai Thạch Sùng chẳng hạn. Cả đoàn phim với máy móc, đạo cụ, phục trang từ TP. Hồ Chí Minh ra quay ở tỉnh Hòa Bình rất vất vả. Sau khi quay cảnh cuối cùng, cả đoàn thở phào nhẹ nhõm, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn.
Tôi nói với đạo diễn Minh Trung: “Anh cho em làm lại để có cái kết hay hơn”. Anh ấy nói: “Thế thì nghĩ đi rồi quay lại”. May mà cả đoàn không nề hà chuyện cùng tôi quay lại đoạn phim cuối để có kết quả tốt hơn.
Không phải chỉ riêng tôi, mà những đồng nghiệp cùng thời với tôi như Lê Khanh, Chí Trung, Ngọc Huyền, Minh Hằng, Lan Hương… đều rất nghiêm túc với nghề, với từng vai diễn như vậy.
*Dường như lớp diễn viên trẻ không còn có được thái độ làm việc nghiêm túc và chịu khó như anh và các đồng nghiệp cùng thời nữa?
- Không hẳn đâu! Trong thực tế giảng dạy ở Trường Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh và khi cùng làm việc trên phim trường, tôi vẫn thấy có những diễn viên trẻ không hề cho phép mình dễ dãi, thiếu nghiêm túc trong nghề như Thanh Vân, Lan Phương, Lê Khánh, Quý Bình, Huỳnh Đông… Tiếc rằng số lượng những người trẻ như vậy còn quá ít.
Nhiều người hỏi tôi rằng diễn viên có sẵn năng khiếu thì có cần đào tạo bài bản không? Tôi cho rằng dù có năng khiếu đến đâu cũng phải được đào tạo thì mới thành diễn viên chuyên nghiệp được.
Còn để thành một ngôi sao thì lại là chuyện khác. Đó là may mắn lớn mà không phải ai có năng khiếu và được đào tạo bài bản cũng đều có được. Cố tạo scandal để nổi tiếng là một hướng đi hoàn toàn sai lầm và không cho kết quả nhanh chóng như một số người trẻ lầm tưởng.
Về đạo diễn trẻ, cũng có một số người khá như Vũ Ngọc Đãng, Quang Dũng, Huyền Thư…, nhưng đó chỉ là tín hiệu ban đầu. Họ cần một nền tảng tư duy vững, một bề dày kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình lắng nghe, tiếp thu và học hỏi.
Khi giảng dạy, tôi thường nhắc nhở sinh viên chớ có “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, không được cẩu thả, tùy tiện và phải nhận ra giá trị đích thực của nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Nhưng có lẽ người làm sân khấu phải có niềm đam mê cháy bỏng và phải sống chết với nghề mới được.
* Như anh từng vì đam mê sân khấu mà làm trái ý cha mẹ?
- Ôi, bây giờ nhắc đến cái thời ấy tôi vẫn còn cảm thấy sợ! Ngày xưa, bố mẹ tôi nghiêm khắc lắm, các anh chị em không ai dám làm trái ý cả. Bố mẹ muốn tôi học kinh tế nên tôi cố gắng làm hài lòng ông bà bằng cách thi vào Trường Đại học Ngoại thương. Nhưng vì mê nghệ thuật nên tôi giấu bố mẹ thi vào Nhà hát Tuổi Trẻ. Kết quả, tôi đậu cả hai trường. Bố mẹ tôi vui mừng ra mặt, còn tôi thì không biết phải xử trí thế nào.
Khi Nhà hát Tuổi Trẻ yêu cầu tôi phải đi cắt amidan thì mới được học, tôi đã đi đến quyết định cuối cùng. Tôi viết một “lá thư tuyệt mệnh” nói lên mơ ước của mình rồi một mình đi vào bệnh viện.
Khi cả nhà vào bệnh viện thì tôi đã cắt amidan xong, nước mắt ràn rụa. Bố mẹ tôi còn bị người nhà giường bệnh nhân bên cạnh mắng: “Sinh con ra làm gì rồi bỏ thằng bé một mình? Tôi phải đi mua sữa và đá cho nó đây này”. Sau đó, chẳng ai dám cấm tôi theo con đường nghệ thuật nữa.
*Vì sao về sau, khi rất thành công với những huy chương vàng đầu tiên ở Nhà hát Tuổi Trẻ, anh không kiên trì với nghề diễn viên mà lại quyết định thi lấy học bổng để sang Nga du học?
- Vì tôi mê nghề đạo diễn từ nhỏ. Diễn viên chỉ là cái duyên thôi. Hơn nữa, lúc đó tôi cũng muốn trở thành người đào tạo chuyên nghiệp, bài bản cho lớp diễn viên trẻ sau này.
*Nghe nói anh là một trong những người hiếm hoi được đặc cách vào học năm thứ ba của Viện Hàn lâm Sân khấu Điện ảnh Saint Pétersburg. Câu chuyện thế nào?
- Năm tôi sang Nga học, Viện Hàn lâm Sân khấu Điện ảnh Saint Pétersburg không tổ chức lớp học cho sinh viên năm thứ nhất. Chỉ có một lớp bảy sinh viên đang học cuối năm thứ hai, chuẩn bị lên năm thứ ba.
Hằng ngày, tôi phải làm công việc dọn dẹp phòng học, lau chùi sân khấu để được đứng sau rèm nghe thầy giảng bài. Đến cuối năm học, nhân Ngày hội sân khấu Nga, tôi có cơ hội được đăng ký tham gia một tiết mục.
Một người thầy khá ngạc nhiên trước một sinh viên đã ngồi học ở giảng đường suốt một năm qua mà ông không hề hay biết. Sau đó, chính người thầy đó đã cùng ban giám hiệu thành lập hội đồng để kiểm tra trình độ của tôi. Kết quả là tôi được điểm tối đa ở cả chín môn thi.
*Và anh nghiễm nhiên có một suất học bổng tại Viện Hàn lâm Sân khấu Điện ảnh Saint Pétersburg?
- Không đơn giản như vậy. Muốn theo học, tôi phải thi đủ 46 môn học mà các sinh viên khác học trong hai năm đầu. Thời gian ôn thi chỉ vẻn vẹn có 20 ngày. Sau khoảng thời gian “dùi mài đèn sách” ấy, tôi chỉ còn da bọc xương, đôi khi đứng không vững.
Thật may vì cuối cùng tôi cũng thi đậu tất cả các môn thi, vào thẳng năm thứ ba và bảo vệ thành công thạc sĩ nghệ thuật chuyên ngành đạo diễn tại Liên Xô trước đây.
* Vì sao anh chọn “Nam tiến” trong khi hầu hết diễn viên cùng thời đều trụ lại Nhà hát Tuổi Trẻ?
- Kể ra thì có rất nhiều nguyên nhân. Những ngày mới về nước năm 1995, tôi rất hăm hở muốn ứng dụng ngay những gì mình mới học được từ Nga để phát triển sân khấu nước nhà. Tôi tập hợp mọi người đúng giờ, quán triệt mọi thói quen làm việc nghiêm túc, bài bản. Diễn viên Lê Khanh đã nắm tay tôi, cảm động nói: “Lâu lắm rồi chúng tôi mới được làm việc một cách chuyên nghiệp như thế này. Anh hãy cố gắng duy trì để chúng tôi được làm việc trong môi trường như thế!”.
Nhưng rồi mọi quy củ chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn. Thái độ làm việc thiếu nhiệt huyết, kém hiệu quả của nhiều người khiến khát vọng truyền nghề của tôi không còn.
Thêm vào đó là những bất công trong nghề. Những đạo diễn trẻ như tôi thường chỉ được giao những vở diễn dành cho trẻ em với chi phí từ 5 đến 7 trăm ngàn đồng mỗi vở, rất thấp so với vở dành cho người lớn, cỡ 7, 8 triệu đồng.
Nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đủ huy chương vàng và bạc của Nhà hát Tuổi Trẻ như Đôrêmon, Đôi bàn tay xinh hay kịch xiếc Thạch Sanh cũng không nhận được chi phí xứng đáng. Vì vậy, khi nhận được lời đề nghị tha thiết từ Trường Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh và hứa hẹn nhiều đãi ngộ tốt, tôi quyết định vào Nam một chuyến xem sao.
* Và đó là một quyết định đúng?
- Hoàn toàn đúng! Thực ra tôi cũng phải vượt qua nỗi nhớ thường trực như những đường phố thân quen, bờ hồ, mái chùa rêu phong, nhớ người thân, bạn bè, những quán cóc bán nước chè, nhớ lắm. Sài Gòn làm gì có quán nước chè với kẹo lạc, dồi chó?
Tuy nhiên, Sài Gòn cho tôi nhiều cơ hội để làm việc và chứng minh năng lực của mình. Thành phố này cho tôi phong cách làm việc năng động, trẻ trung. Việc xã hội hóa sân khấu diễn ra mau chóng khiến cho những diễn viên, đạo diễn như tôi luôn luôn phải làm việc, chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Cũng xin “bật mí” thêm là nhớ có lời khuyên của thầy bói nên tôi mới có thêm quyết tâm ra đi đấy.
* Thế khi lấy vợ anh có nhờ đến thầy bói không?
- Ồ, không đâu! Tôi không phải là người mê tín lắm. Tôi lấy vợ rất “hồn nhiên”, duyên đến thì tôi nhận lấy, thế thôi!
*Anh từng nói là mình rất sợ vợ và chiều con, điều mà hầu như chẳng có người đàn ông nào tự nhận bao giờ…
- Tôi nể chứ không sợ vợ. Mà nếu một người đàn ông có sợ vợ thì cũng không có gì là ghê gớm vì người phụ nữ đã hy sinh nhiều cho gia đình, sợ một chút cũng nên chứ! Còn với các con thì tôi mê vô cùng chứ không chỉ yêu.
Có lần đi lưu diễn, nghỉ ở khách sạn năm sao mà tôi trằn trọc suốt bốn đêm không ngủ được vì nhớ mùi của con. Nhà có đến bốn đứa con, mệt thật nhưng vui lắm.
Với tôi, dù cuộc sống mưu sinh luôn vất vả, tất tả ngược xuôi, nhưng gia đình luôn là chốn bình yên nhất để trở về sau mỗi ngày cực nhọc. Đây cũng là niềm hạnh phúc mà người đàn ông nên biết giữ gìn và quý trọng.
Nhờ yêu và hiểu trẻ nên tôi mới có thể viết kịch bản cho trẻ em đấy. Viết kịch bản cho trẻ em không hề đơn giản. Vì người viết phải hiểu suy nghĩ, ngôn ngữ của trẻ, nội dung phải phù hợp với tâm lý của trẻ, không thể áp đặt suy nghĩ của người lớn vào. Viết xong kịch bản, người đầu tiên “thẩm định” chất lượng là các con của tôi và cả những đứa trẻ hàng xóm.
* Nghe nói anh từng có mong ước được xây dựng một nhà hát dành cho thiếu nhi. Mong ước đó liệu có thành hiện thực?
- Mong ước đó vẫn luôn canh cánh trong tôi từ những ngày đầu làm kịch cho trẻ em cho đến tận hôm nay. Thật xót xa khi thấy rất nhiều rạp bị bỏ hoang, biến thành quán bia hơi, nơi gửi xe…, trong khi trẻ em cả nước ta vẫn chưa có một nhà hát thiếu nhi đúng nghĩa.
Chi phí cho một nhà hát thiếu nhi là quá sức đối với một cá nhân nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hay các mạnh thường quân. Ngoài chi phí thuê rạp biểu diễn còn cần chi phí không nhỏ để đầu tư sửa sang, mua thiết bị âm thanh, ánh sáng, làm cửa thoát hiểm, mua sắm trang thiết bị cứu hỏa… mà gộp lại phải đến tiền tỉ.
Đấy là chưa kể đến việc dàn dựng một vở diễn dài đòi hỏi đầu tư kinh phí rất tốn kém, mà kịch cho thiếu nhi càng tốn kém hơn vì đòi hỏi việc đầu tư dàn dựng sân khấu sinh động, trang phục nhiều màu sắc hơn so với các vở diễn cho người lớn. Dù nhà hát thiếu nhi là tâm huyết của tôi trong hơn mười năm qua nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được vì vượt quá khả năng của mình.
Hiện nay, tôi chỉ có thể tạo sân chơi cho các em ngay tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Mới đây nhất, tôi đã dựng vở kịch Câu chuyện thiên nga nhân dịp 1/6 và đã nhận được sự reo hò, vui sướng của rất nhiều trẻ em tại Hà Nội và các vùng lân cận. Chính tình yêu với con trẻ là động lực lớn nhất thôi thúc tôi viết kịch bản, đạo diễn và tham gia vào vở diễn ấy.
Tôi kén vai diễn thật, nhưng với các chương trình dành cho thiếu nhi thì rất ít khi tôi từ chối, dù diễn chỉ mười hoặc mười lăm phút. Cứ lên sân khấu, nhìn thấy các bạn nhỏ hò reo là tôi thấy hứng thú, quên hết cả mệt nhọc. Nhìn các em cười thích thú, hưởng ứng vai diễn của mình, mọi sự mệt mỏi tan biến rất nhanh, không cần uống nước sâm sau buổi diễn mà vẫn thấy rất khỏe khoắn.
* Anh không chỉ có duyên với nghề đạo diễn mà còn là người dẫn chương trình được nhiều người yêu mến. Đó phải chăng là nhờở tính hài hước vốn có?
- Hài hước chỉ là một yếu tố quan trọng của người dẫn chương trình, điều quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt. Tôi thấy người dẫn chương trình hiện nay rất nhiều nhưng rất ít người tạo được nét riêng.
Với tôi, MC không có nghĩa là nói nhiều hay lặp đi lặp lại những câu cảm thán vô nghĩa. Thanh Bạch, Quỳnh Hương là những MC nổi tiếng nhưng cũng không nên bắt chước tác phong, cách nói của họ. Kỹ năng cần thiết của người dẫn chương trình là luôn biết lắng nghe, tiếp thu và phản ứng nhanh.
Như trong các chương trình Rubic chat chẳng hạn, tôi luôn tập trung lắng nghe câu chuyện của nhân vật để phản biện hoặc tung ra những câu hỏi ít ai ngờ đến. Muốn được như vậy, tôi cho rằng người MC phải nghe nhiều, đọc nhiều và luyện tập không ngừng.
Là người đa tài nhưng anh lại “lận đận” trên con đường tìm kiếm danh hiệu nghệ sĩ. Cùng thời với Lê Khanh, Chí Trung, Minh Hằng, Lan Hương… mà đồng nghiệp của anh đã nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ rất lâu, còn anh phải đến năm 2012 vừa qua mới được phong tặng. Anh nghĩ gì về danh hiệu này?
- Những người trong giới chúng tôi hay đùa rằng đối với nhiều nghệ sĩ thì phần “nghệ” nhiều hay ít chưa cần biết chứ phần “sĩ” thì kinh khủng lắm và tôi là một trong số đó.
Danh hiệu là yếu tố cần thiết cho sự nghiệp của người nghệ sĩ nhưng không vì thế mà phải làm đơn xin được là nghệ sĩ ưu tú. Tôi là một trong số không ít nghệ sĩ không thực hiện theo và cũng khá nhiều người đã lên tiếng gay gắt về điều này.
Tại sao phải làm đơn nhỉ? Số giải thưởng mà nghệ sĩ có được thì các hội ngành nghề như sân khấu, điện ảnh, múa, âm nhạc, mỹ thuật… đều đã biết rõ. Tư cách cá nhân của người được xét tặng thì địa phương cũng nắm được. Hội đồng xét tặng danh hiệu sao không phối hợp với địa phương và các hội nói trên để thực hiện? Yêu cầu nghệ sĩ phải làm đơn xin có danh hiệu tôi cho là điều không thể chấp nhận được.
Bởi vậy, năm ngoái, khi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, mẹ tôi xúc động đến rơi nước mắt còn tôi thì không còn sự rung động, không còn thổn thức chờ đợi nữa. Nghệ sĩ mà, “mỏng manh dễ vỡ” lắm.
Có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Thủy, Minh Nhí, Minh Hoàng… lẽ ra đã được nhận danh hiệu từ lâu nhưng lại không có đủ huy chương vì từ trước đến nay, họ chưa hề tham dự liên hoan hay kỳ thi nào. Chính những điều kiện cứng nhắc và bất hợp lý trong quy định phong tặng danh hiệu đã gây thiệt thòi cho nhiều nghệ sĩ lớn.
*Đã từng kinh qua nhiều công việc như diễn viên, đạo diễn, giảng viên, người dẫn chương trình và kinh doanh, anh cảm thấy mình thành công nhất ở công việc nào?
- Có lẽ thành công nhất là một ông bố tử tế, chiều vợ và dạy con đến nơi đến chốn.
* Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!

XUÂN LỘC/DNSGCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét