NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU...
"...bộ trưởng thì vì kém trình độ và bản lĩnh nên chỉ biết nghe theo, không dám và không thể sửa đổi"
Mấy hôm nay cộng đồng mạng xôn xao vì clip của một học sinh lớp 12 nhận xét về nền giáo dục, chủ yếu là phê phán việc nội dung các môn học quá nhiều, áp lực về điểm số và thi quá nặng. Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến ấy, chỉ xin góp một tiếng nói phân tích nguyên nhân để từ đó có thể tìm cách khắc phục.
Tôi tốt nghiệp phổ thông 9 năm vào năm 1956 với một lượng kiến thức khá khiêm tốn so với chương trình phổ thông 12 năm bây giờ. Thế nhưng nhiều người trong số chúng tôi đã tốt nghiệp xuất sắc đại học, trở thành các cán bộ khoa học vững vàng . Tôi thấy chương trình của phổ thông bây giờ quá nặng. Rất nhiều kiến thức khó mà trước đây chúng tôi chỉ được học ở đại học lại được đưa vào chương trình phổ thông, đa số học sinh khổ sở lắm mới học được nhưng học xong rồi để mà quên. Việc này không những tạo ra một sự lãng phí lớn mà còn làm thui chột lòng ham học và khả năng sáng tạo của một bộ phận lớn học sinh. Còn ở đại học, nếu cần thì phải học lại những kiến thức đó ( như là mới học lần đầu ).
Theo tôi, để xẩy ra tình trạng trên có những nguyên nhân sau :
1- Từ cấp lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Đó là việc coi nhẹ vai trò của nền giáo dục. Tuy ngoài miệng buộc phải nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng trong thâm tâm thì cho rằng làm giáo dục là dễ ( không khó như quân sự, ngoại giao, kinh tế…),cho lao động dạy học là nhẹ nhàng ( lương nhà giáo thấp ) cho lãnh đạo giáo dục là khá đơn giản ( dễ dải trong việc cử bộ trưởng. Bà Nguyễn Thị Bình là một cán bộ ngoại giao được cử làm bộ trưởng giáo dục một cách rất vội vàng, rất nhiều cải cách sai lầm và tệ nạn trong GD xẩy ra từ thời kỳ này trở đi ).
2- Từ cấp bộ- Bộ trưởng bộ giáo dục đáng ra phải là người giỏi về xã hội và nhân văn ( chứ không phải là một nhà khoa học tự nhiên hoặc kỹ thuật) , phải là người vững vàng về giáo dục phổ thông ( chứ không phải là người thạo về đào tạo đại học ), thế mà nhiều bộ trưởng kế tiếp như Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận không phải là người như vậy. Việc soạn chương trình và sách phổ thông đáng lẽ giao cho một số ít thầy giáo giỏi, có kinh nghiệm dạy phổ thông thì lại giao cho rất đông các giáo sư chủ yếu là dạy đại học. Một quyển sách giáo khoa đáng ra chỉ giao cho một vài thầy soạn là được, thế nhưng lại tập hợp khá nhiều người ( có phải là để chia chác thành tích và ngân sách ). Việc soạn chương trình và nội dung môn học không được tập trung chỉ đạo, điều chỉnh mà để các bộ môn tự làm, môn nào cũng tự tăng nội dung, tăng khối lượng.
3- Từ cấp tác giả. Các tác giả phần lớn là giáo sư, là nhà khoa học có tên tuổi. Họ giỏi về chuyên môn, có nhiệt tình và lòng yêu nước, có mong muốn đào tạo thế hệ trẻ trở nên giỏi giang, không những sánh được mà còn vượt được học sinh nhiều nước. Thế nhưng họ quá kém về tâm lý xã hội, quá kém về nhận thức sư phạm. Họ tưởng ai cũng giỏi gần như họ, ai cũng chăm chỉ và say mê học tập như họ, họ muốn áp đặt quan điểm và trình độ của họ cho mọi người. Họ không hiểu được trình độ và tâm lý của số đông, họ không biết hoặc không chịu vận dụng một nguyên lý cơ bản của giáo dục là “ nội dung dạy học phải phù hợp với trình độ người học”. Mỗi người trong số họ chỉ nhìn thấy môn học họ phụ trách mà không hoặc ít quan tâm đến kiến thức chung cần có của học sinh. Nhiệt tình là cần, là tốt nhưng nhiệt tình cọng với sự ngu dốt sẽ thành phá hoại. Có lòng tốt, có động cơ tốt là là cần, là hay nhưng lòng tốt không phù hợp với người tiếp nhận sẽ có hại nhiều hơn có lợi. Những nhận xét vừa nêu có lẽ đúng với nhiều tác giả trên đây ( họ không ngu dốt về kiến thức mà ngu dốt về tâm lý sư phạm ). Các tác giả thi nhau làm cho chương trình nặng thêm, còn bộ trưởng thì vì kém trình độ và bản lĩnh nên chỉ biết nghe theo, không dám và không thể sửa đổi.
Để khắc phục tình trạng quá tải kiến thức ở phổ thông, nghe đâu Bộ giáo dục dự định kể hoạch thay đổi sách giáo khoa trong hàng chục năm với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng. Lại có một số người đang nghĩ tới việc chia chác thành tích và ngân sách. Ước gì Bộ cho đấu thầu dự án cải cách sách giáo khoa, nếu thế tôi sẽ xin nhận tổ chức làm với kinh phí không quá một trăm tỷ và thời gian không quá 2 năm.
GS.TS Nguyễn Đình Cống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét