HIỆN THÂN TỔ NGHIỆP (*)
NLD – Thứ Năm, 19/09/2013 23:31
Họ không chỉ ảnh hưởng đến hậu thế bằng tài năng mà còn bằng đạo đức nghề nghiệp sáng chói của mình
Lịch sử sân khấu ghi dấu những nghệ sĩ tạo dựng tên tuổi của mình, cống hiến cho nghệ thuật không chỉ bằng tài năng mà còn bằng đức độ. Bao thế hệ con cháu đã noi theo, rèn giũa ngọc nghề để tỏa sáng trên sân khấu.
NSND Thành Tôn và con trai út NSƯT Thành Lộc
Ngôi sao thế kỷ
NSND Thành Tôn (1913-1997) không chỉ là một trong những ngôi sao sáng nhất của sân khấu tuồng thế kỷ XX mà còn là tấm gương sáng về đức độ, sự nghiêm túc, bền bỉ trong lao động nghệ thuật.
NSND Đinh Bằng Phi kể: “Những năm 1940, khi hàng loạt ban hát bội xuất hiện ở Sài Gòn, cuộc cạnh tranh “đất” diễn giữa các ban rất quyết liệt. Những ban hát nào có nghệ sĩ nổi tiếng cỡ như cô đào Năm Sa Đéc, anh kép Mười Vàng thì mới được vô đình hát; còn các gánh nhỏ lặng lẽ rút lui. Ban Vĩnh Xuân của ông bầu Thắng điêu đứng trước sức ép của các ban hát mạnh. Lúc bấy giờ, Thành Tôn là một chàng trai miệt vườn mê nghề hát, từ Vĩnh Long lên Sài Gòn thử thời vận. Dáng người đậm chắc, đôi mắt sáng nổi bật trên gương mặt khôi ngô, một mình Thành Tôn nhận đóng tất cả các vai khó. Và thật bất ngờ, chàng diễn viên tên tuổi còn lạ hoắc đó đã diễn xuất thần, trở thành ngôi sao mới trên sân khấu”.
Nhà văn Sơn Nam từng nhận xét về nghệ sĩ Thành Tôn: “Cái gốc rễ của ông ấy là sự kết tinh từ dòng họ 3 đời làm nghệ thuật. Đầu tiên là Nguyễn Thành Luông, tức bầu Luông, chủ Phước Long ban. Kế tiếp, đời thứ hai là kép Hai Nở nổi danh khắp miền sông nước Tây Nam Bộ. Mặc dù nghề hát bội xưa có một điều luật bất thành văn là “không được hát liên tiếp 3 đời” nhưng Thành Tôn quyết chí nối nghiệp ông cha, cuối cùng ông đã không hổ thẹn là “con dòng, cháu giống”.
Không chỉ thời trẻ tuổi, lao động nghệ thuật của NSND Thành Tôn bền bỉ đáng nể cả khi ở tuổi lục tuần. Ông vẫn diễn xuất thần vai Thái Kiệt (giải Diễn viên xuất sắc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980) rồi vai Trần Liễu (HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985). Ngoài ra, ông còn là một soạn giả viết tuồng với nhiều tác phẩm được dàn dựng, biểu diễn khắp cả nước. Năm 1992, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND trong đợt xét tặng đầu tiên. Sự nghiệp của ông trở thành biểu tượng của sân khấu tuồng Nam Bộ.
Vị tổ sống này đã từng đứng ra thành lập Ban Vân Hạc vào năm 1947, quy tụ nhiều nghệ sĩ hát bội tài danh. Ba mươi năm sau, ông lại là một trong những thành viên sáng lập Đoàn Hát bội TP HCM, nay là Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM. Ông luôn trăn trở trước sự mai một của nghệ thuật hát bội nên dành phần tâm lực cuối đời để nghiên cứu cách viết, cách diễn tuồng tích cho phù hợp hướng cảm thụ mới của khán giả ngày nay. Không chỉ tỏa sáng trên sân khấu, ông luôn truyền nghề, nâng đỡ các nghệ sĩ hát bội trẻ.
NSƯT Thành Lộc tâm sự: “Tôi học ở cha tôi tinh thần lạc quan, không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Ông chính là biểu tượng của ý chí để chúng tôi phấn đấu cho nghề không ngơi nghỉ”. Nghệ sĩ Bạch Long cũng noi theo cha, lập nên đoàn đồng ấu mang tên anh, tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Trọng chữ Tín, giữ chữ Tâm
Giải thưởng cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương mang tên NSND Út Trà Ôn (1919-2001) đã được tổ chức thường xuyên tại các tỉnh ĐBSCL, xuất phát điểm là huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long – quê hương của ông. Nghệ sĩ nào cũng mơ ước sở hữu làn hơi độc đáo và cách thể hiện xuất sắc những bài vọng cổ, đã được tôn xưng danh hiệu “đệ nhất danh ca vọng cổ” của ông.
Ông tên thật là Nguyễn Thành Út, tên thường gọi trong gia đình là Mười Út. NSND Viễn Châu kể: “Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài Phát thanh Sài Gòn. Nhờ có giọng ca bẩm sinh truyền cảm, ông nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Khi rời hẳn quê nhà, ông đã lấy tên quê làm tên đi hát: Út Trà Ôn. Với ông, không thể ham tiền nhiều mà chỉ có tiêu chí duy nhất: Xem trọng uy tín nghề nghiệp. Tôi nhớ lần viết bài ca cổ Tình anh bán chiếu, sau khi ông ca, các hãng đĩa khác tới tấp mời tôi tham gia cộng tác. Ông khuyên tôi nên nhận lời vì sự kích thích sáng tạo đó sẽ càng thêm động lực để viết cho đời những bài ca hay chứ ông không tham lam ký độc quyền hát tất cả những sáng tác từ ngòi bút của tôi”.
Quan niệm “mình có cơm, người ta có cháo”, gánh hát mang tên ông lưu diễn bất cứ nơi nào, đụng phải các gánh hát nhỏ, ông đều thương. NSƯT Diệu Hiền kể: “Gánh hát nghèo gặp đoàn ông không sợ đói vì ông không những cho tiền, cho gạo mà còn khuyên hãy “án binh” chừng nửa tháng, đừng dọn đi cho tốn tiền xe, tiền xăng; cứ ở đó chờ ông hát xong, bao nhiêu đồ hát (phục trang, đạo cụ…) ông gửi tặng, rồi sau đó hãy bán vé hát tiếp. Có dư âm của đồ hát mà trong nghề gọi là “lộc tổ”, những gánh hát nghèo sẽ làm ăn khấm khá”.
Cũng như bao nghệ sĩ tiền bối, cuộc đời ông trải qua nhiều đoàn hát. Ở cương vị làm bầu hoặc nghệ sĩ, ông đều sống giản dị, chân thành. Tháng 3-1997, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Ông từ trần vào ngày 13-8-2001, hưởng thọ 82 tuổi.
Chính vì trọng chữ Tâm và luôn giữ chữ Tín trong nghề nên dù dìu dắt nhiều nghệ sĩ thành danh nhưng tuyệt nhiên ông không bao giờ xưng mình là thầy của một ai.
NSƯT Ngọc Hương xúc động kể: “Ông chỉ thích gọi là cậu Mười. Ông nói cách gọi đó cho ông thấy mình như đang sống ở quê nhà, bên cạnh con cháu chứ không phải là một đệ nhất danh ca của sân khấu cải lương. Bài học quý từ ông mà nhiều thế hệ nghệ sĩ như tôi nhận được chính là sự khiêm tốn khi hoạt động nghệ thuật. Ông chính là vị tổ sống để các thế hệ nghệ sĩ sau này noi theo”.
Hội Sân khấu TPHCM đã kết hợp với Hãng phim TFS thực hiện một loạt ký sự chân dung mang chủ đề Một đời nghiệp Tổ, trong đó 6 nghệ sĩ tiên phong: NSND Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Thành Tôn, Út Trà Ôn được chọn để khởi đầu cho loạt phim tư liệu giá trị này. Những nhà làm phim mong muốn dựng nên những thước phim để công chúng sân khấu hiểu thêm về những công lao của những bậc tiền bối đã đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển nền sân khấu nước nhà, đồng thời nêu tấm gương sáng cho thế hệ nghệ sĩ hôm nay và mai sau học hỏi, noi theo
.
|
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét