Nguyễn Quang Lập
Chẳng biết người khác thế nào, với mình người hiếu khách văn nhất nước ta là cụ Vũ Đình Liên. Phùng Quán cũng nổi tiếng hiếu khách văn nhưng không bằng cụ Vũ Đình Liên được. Mình đã đến chơi nhà cụ một lần, chỉ một lần duy nhất thôi mà đến chết không thể quên.
Hình như năm 1978 thì phải, có lần thằng Phong (Nguyễn Thành Phong) khoe nó quen cụ Vũ Đình Liên, mình trợn mắt há mồm, phục nó vô cùng.
Nghe nó bảo cụ còn hẹn đến chơi nhà lại càng phục. Mấy đứa con nít 21, 22 tuổi, mới ti toe làm thơ viết văn như mình, đứa nào quen được ông nổi tiếng nào thì tự nhiên thấy mình quan trọng hẳn lên, cao giá hẳn lên. Thằng Phong cũng thế, có lẽ trong hội thơ Vòm Cửa Xanh Trường Bách Khoa hồi đó nó là thằng quen được nhiều người nổi tiếng nhất. Cứ vài ba tuần nó lại khoe quen được một ai đó rất nổi tiếng. Hôm thì nó bảo Quang Huy ( nhà thơ) quí nó lắm, muốn nó làm cháu rể của ông. Hôm khác nó lại khoe gặp Xuân Quỳnh ở chợ Hôm, chị còn mời nó đi ăn bún ốc. Hôm khác nữa lại khoe Nguyễn Bùi Vợi hẹn nó đi ăn thịt chó mấy lần mà không đi được. Kinh. Thằng nào thằng nấy lác mắt.
Chỉ mỗi cụ Nguyễn Tuân là chưa nghe thằng Phong khoe quen được cụ thôi, còn hầu hết các nhà thơ nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội nó quen sạch. Mình quen được khối người cũng nhờ nó. Tội nghiệp thằng Sinh (Lê Quang Sinh) khoe đi khoe lại mấy năm trời mỗi chuyện nó quen được bà Ngân Giang. Đã thế tính lại hay ganh đua, thằng Phong khoe hôm qua anh Nguyễn Trọng Tạo nói với tao, thằng Sinh khoe luôn hôm qua bà Ngân Giang nói với tao. Thằng Phong khoe vừa mới đi chơi với Chu Lai về, thằng Sinh lại khoe vừa mới được bà Ngân Giang đưa đi ăn bún chả, bà còn tặng cho hai bài thơ mới làm. Rõ khổ, hi hi.
Chiều tối hôm đó mình, thằng Phong, thằng Sinh, thằng Hạnh ( Hà Đức Hạnh) ra quán ông Tuấn béo trước cửa Trường Bách Khoa uống chè chén ăn kẹo lạc. Nghe thằng Phong khoe nó quen được cụ Vũ Đình Liên, thằng Sinh hỏi lại Vũ Đình Liên viết Ông đồ a. Thằng Phong vênh mặt lên, nói chứ sao. Thằng Sinh cười cái hậc, nói cứt, mày mà quen được Vũ Đình Liên. Thằng Phong cười nhạt, nói không tin, để khi nào tao đưa đến nhà cụ chơi. Thằng Sinh lại cười cái hậc, nói cứt. Điên lên, thằng Phong đứng bật dậy, nói thế thì đi ngay bây giờ.
Thật không ngờ cụ Vũ Đình Liên đón mấy đứa vô danh tiểu tốt tụi mình còn quá đón con cháu ở xa về. Cụ ôm vai hót cổ, bắt tay bắt chân, nói nói cười cười suốt buổi. Cụ kể chuyện cụ chơi thân với Vũ Trọng Phụng như thế nào, thơ Đinh Hùng hay dở ra sao, Con cái Nam Cao, Ngô Tất Tố giờ ở đâu… toàn những chuyện từ bé đến giờ mình mới nghe. Rất hay. Có điều cụ nói dài quá, dài miên man, tuồng như cụ đang nhắc lại hồi ức cho chính cụ chứ không phải kể cho người khác nghe. Rồi cụ đọc thơ cụ, cứ đọc xong một bài cụ lại dịch nó ra tiếng Pháp. Hết thơ mình cụ lại đọc thơ bạn bè, đọc rồi dịch thơ ra tiếng Pháp, triền miên như thế cả trăm bài. Quá muộn, tụi mình chực nhổm đít đứng lên, cụ liền kéo tay ngồi xuống, nói chưa xong chưa xong, còn thơ Baudelaire nữa chứ, khoảng hai trăm bài nhưng bác chỉ đọc chục bài thôi. Xong thơ Baudelaire đã quá nửa đêm, tụi mình chào cụ ra về, ra đến cửa cụ kéo tay tụi mình, nói thêm hai bài nữa nhé, ra đến ngõ vừa chực bắt tay thì cụ xua tay, nói khoan khoan, thêm hai bài nữa. Gần 2h sáng mới về tới trường, mệt bã người.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy thương cụ. Trong khi nhiều người khác gặp tụi mình không buồn bắt chuyện thì cụ trò chuyện ân cần thân thiện vô cùng, thật quí hóa lắm thay. Nhưng hồi đó thì hãi lắm, đến nhà cụ một lần rồi biệt luôn, không dám ló mặt lần thứ hai. Chẳng riêng gì cụ Vũ Đình Liên, nhiều cụ khác cũng vậy. Họ nổi tiếng đến nỗi mình chưa bao giờ nghĩ là có thể gặp họ, hình như họ sống ở một thế giới quá cao xa sang trọng mà mình không thể tới được. Chẳng ngờ khi gặp, sau phút ban đầu sung sướng ngây ngất là sợ chết khiếp vì bệnh nói dài của họ.
Người già thương lâm bệnh nói dài, nhưng bệnh nói dài của các cụ thời tiền chiến hình như còn một lý do khác trầm trọng hơn. Đang chói sang trên văn đàn, tự nhiên các cụ bị rơi rất nhanh vào quên lãng. Chính xác là không ai quên các cụ nhưng ngại hoặc không muốn nhắc đến các cụ nữa. Số còn được vồ vập trọng vọng rất ít, hình như không đến hai chục, họ đột ngột mất phong độ một cách đáng ngạc nhiên. Ví như cụ Xuân Diệu chẳng hạn, đang ở đỉnh cao chói lọi với vai trò “ông hoàng thơ tình”, thời thế đổi thay cụ bỗng xoay sang làm thơ thế sự, bài nào bài nấy dở òm. Tuy vậy họ vẫn còn kẻ đón người đưa, tiền hô hậu ủng. Số còn lại rất đông, đa phần đều rơi vào hoàn cảnh như cụ Vũ Đình Liên, chẳng có ai làm gì họ cả, tự nhiên người ta hết quan tâm, ngại quan hệ, thế thôi.
Các cụ cũng ngại lên tiếng trước đám đông, bao nhiêu tâm sự chẳng biết trút vào đâu, gặp đám văn trẻ quí mình thật lòng thì các cụ mừng rỡ như bắt được vàng, cứ thế nói, chẳng biết nói gì, nói thế nào, các cụ nói cho hả cái sự nói vậy thôi. Mình nhớ năm 1987 cụ Tế Hanh về Huế, sinh viên Đại học sư phạm Huế nô nức đón cụ chật cả hội trường lớn, tràn ra cả hành lang. Đến khi cụ lên nói thì hỡi ôi, cụ nói vừa nhỏ vừa méo tiếng, và dài quá là dài, không chuyện gì ăn nhập với chuyện gì. Hội trường đông như thế, cho đến cuối buổi chỉ còn hơn trăm người, tụi trẻ chuồn sạch.
Lắm lúc mình bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi đối diện với các cụ. Các cụ nói không thể không nghe, mà nghe thì chẳng hiểu các cụ nói gì, oải cả người. Không thể hồ đồ cắt ngang, nói cháu xin lỗi rồi bỏ chạy được, đối với các cụ đạo cao đức trọng mình không thể thất lễ. Rõ là bi kịch khác thời.
Đại hội nhà văn lần thứ 4, có bữa mình từ toilet vào Hội trường, gặp cụ Hoàng Trung Thông lừ đừ say đứng ở hành lang, về già lúc nào cụ cũng ở tình trạng lừ đừ say. Cụ nhìn mình, nói Nguyễn Quang Lập phải không. Mình dạ, chực đi, cụ vẫy vẫy tay ra hiệu đến gần. Và cụ nói, nói rất nhiều chuyện gì đó về văn Hán văn Tây, mình nghe ù ù cạc cạc chẳng hiểu gì. Mình nghe nghe dạ dạ nhưng tâm trí dồn vào hội trường, trong đó không rõ có chuyện gì mà người ta cãi nhau như mổ bò. Đang trẻ mà, háo hức mấy chuyện cãi nhau lắm, hi hi. Nghe gần một tiếng, tưởng cụ nói xong rồi mừng rỡ chào cụ chạy vào hội trường, ai ngờ cụ kéo tay đến gần cụ hơn, nói còn một số vấn đề nữa… Ối giời ôi, hu hu.
Hôm mình đến Hội nhà văn, anh Chu ( Đỗ Chu) đang ngồi tiếp chuyện cụ Nguyễn Xuân Sanh, thấy mình anh Chu mừng rỡ vẫy tay rối rít, nói Lập Lập vào đây vào đây. Mình vào, anh Chu hồ hởi giới thiệu với cụ Nguyễn Xuân Sanh, nói anh ơi, đây là thằng Nguyễn Quang Lập, nó cùng quê Quảng Bình với anh đấy. Rồi anh Chu đứng dậy xách cái phích nước, nói mày ngồi nói chuyện để tao đi lấy nước. Anh Chu ra khỏi phòng và biến thẳng cánh, để mình ngồi chịu trận. Cụ Nguyễn Xuân Sanh tính tình hiền hòa, gặp được đồng hương cụ mừng lắm, nói lia xia, cụ nói rất nhỏ, hầu như không nghe thấy gì. Chuyện cụ kể bí hiểm y chang “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”, hi hi.
Đến quá trưa, mình thấy anh Đỉnh, lập tức gọi anh vào chơi. Anh Đỉnh cười khì khì, nói anh mày không ngu như mày đâu cu ơi. Mình tức phát điên lên, nhìn cái mặt cười đắc chí của anh Đỉnh lại càng tức. Chẳng dè hôm sau anh Đỉnh gọi điện đến thì thào, nói Lập ơi, đến cứu tao đi, tao sắp chết rồi. Mình hỏi sao, anh nói cụ Tế Hanh đang ở phòng tao. Mình sướng rơn cười ha ha ha, nói ông anh yêu quí ơi, em hết ngu rồi.
Khổ nỗi không ai dám nhắc các cụ một câu, các cụ thì cứ đinh ninh mình đến chơi thế này, nói chuyện thế này, chắc bọn văn trẻ chúng nó thích lắm, thành ra nạn khách văn già vẫn là cái nạn hãi hùng nhất đối với các tờ báo văn. Một hôm đến 7 giờ tối rồi phòng Hữu Thỉnh vẫn đỏ đèn, mình lò dò lên. Cụ Tế Hanh đang đứng trước cửa phòng, vẻ sốt ruột lắm. Trong phòng, anh Hữu Thỉnh đang tiếp cụ Nguyễn Xuân Sanh, chắc là tiếp từ trưa đến giờ. Cụ Tế Hanh nhăn nhó chỉ cụ Nguyễn Xuân Sanh, ghé tai mình thì thầm, nói cậu biết không, ông này nói dài lắm. Hi hi.
Theo Quê Choa Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét