21/12/12

SINH VIÊN VIỆT NAM KHÔNG THỂ LÀ "NGƯỜI MÁY" BIẾT NGHE LỜI


SV Việt Nam: không thể là "người máy" biết vâng lời


Nam đang đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng giáo dục, thậm chí là những “khu công nghiệp” giáo dục để chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế. Nhưng nếu nó chỉ sản sinh ra những “người máy” chỉ biết vâng lời mà thiếu đi tư duy phê phán, nỗ lực hội nhập và phát triển kinh tế sẽ “như muối bỏ bể”.
Tác giả David Pickus là GS Lịch sử trường Đại học bang Arizona, trường ĐH công lớn nhất Hoa Kỳ. Dưới đây là bài viết riêng của ông dành cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Hai bài viết trước của ông là "GS Mỹ bàn về tật xấu trong giao tiếp của người Việt" và "Sinh viên Việt Nam phải vượt qua bệnh thụ động" đã gây sự chú ý mạnh mẽ và tạo ra diễn đàn tranh luận sôi nổi trên VEF.


"Làm như thế có lợi hay hại?" Đây là câu hỏi mà các giáo sư người Trung Quốc đặt ra cho tôi khi tôi nói với họ về kế hoạch dạy "cách tư duy phê phán" tại các quốc gia Đông Á của mình.
Câu hỏi không mang dụng ý xấu. Khi đó chúng tôi đang bàn về tương lai của nền giáo dục đại học tại Việt Nam, Trung Quốc, và Mỹ; tôi nêu ý kiến rằng thành công của nền giáo dục này phụ thuộc vào việc các trường có thể dạy cho sinh viên thói quen tư duy phê phán hay không.
Họ nhất trí rằng, xét từ góc nhìn của người Trung Quốc, cần giáo dục thêm về tư duy phê phán. Nhưng cùng lúc, họ lại đặt ra một câu hỏi mà tôi cũng từng được nghe thấy ở Việt Nam và Mỹ: Liệu những sinh viên được dạy cách tư duy phê phán có cảm thấy bất mãn không khi các em nhận thấy rằng loại tư duy này không làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn đối với các em?
Đây là một câu hỏi đúng đắn. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta không những phải định nghĩa chính xác hơn về thuật ngữ "tư duy phê phán" mà còn phải tìm hiểu chi tiết hơn về ý nghĩa của yêu cầu đối với các sinh viên Việt Nam rằng các em nên có thái độ chủ động hơn đối với tương lai.
"Tư duy phê phán" là một trạng thái sức khỏe trí óc, có thể áp dụng theo nhiều hướng khác nhau. Nghĩa tương đương về mặt thể chất của nó là "sức khỏe và sự phối hợp về cơ bắp".
Do đó, tuy rằng chúng ta ai cũng có một chỉ số sức khỏe và khả năng phối hợp nhất định về thể chất, nhưng phải qua quá trình tập luyện thể dục thể thao thì chúng ta mới có thể phát huy đầy đủ tiềm năng thể chất của bản thân. Rèn luyện tư duy phê phán cũng vậy. Nó không đưa tất cả mọi người lên cùng một mức độ như nhau, và nó cũng không biến bạn trở thành chuyên gia trong tất cả mọi lĩnh vực - cũng giống như việc tập luyện thể chất không biến bạn thành chuyên gia trong mọi môn thể thao.
Vai trò của nó là đem lại cho bạn một phương pháp để kiểm tra xem bạn có phát huy được đầy đủ tiềm năng của mình hay không.
Tôi xin phép lý giải nhận định trên bằng việc kể ra đây một điều mà tôi mới quan sát được tại Trung Quốc. Ở ngoại ô thành phố Tô Châu ngày nay đang hình thành một "khu công nghiệp" đại học. Một khu đất rất lớn đã được giải phóng mặt bằng để lấy chỗ xây dựng những tòa nhà đại học siêu hiện đại.
Các trường đại học trên khắp đất nước Trung Quốc đều đã quy tụ về đây, gây dựng chi nhánh mới, và tạo nên một trong những "thành phố sinh viên" lớn nhất mà tôi từng được biết; và hiện tượng này cũng một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng một quốc gia muốn tạo ra được những cử nhân có chất lượng cao nhất phải có sự chuẩn bị tốt nhất để có thể cạnh tranh trên quy mô quốc tế.
Các lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ điều này.
Nhưng liệu các "sản phẩm" của "khu công nghiệp" này có thực sự được trang bị đầy đủ? Có thể coi sinh viên là một tập hợp người, nhưng khi nhìn các em, tôi lại nhớ rằng các em đều là những cá nhân riêng biệt với những tiềm năng riêng, có thể được phát huy hoặc không.
Xây dựng một khu công nghiệp sinh viên vẫn là chưa đủ nếu các sinh viên khi tốt nghiệp lại không có đủ năng lực để tự suy nghĩ và hành động. Tuy không được thể hiện rõ ràng, song thành công của khu công nghiệp sinh viên này đúng là phụ thuộc vào việc các cử nhân học được kỹ năng tư duy phê phán cùng với kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực các em đã chọn.
Sinh viên hiện có đang học cách tư duy phê phán hay không? Không thể đưa ra một nhận xét khái quát về nhiều nhóm người lớn như vậy, nhưng theo những quan sát của tôi, hiện có ít nhất ba vấn đề đáng lo ngại, có ảnh hưởng tới các cử nhân nói chung:
1. Các đơn vị tuyển dụng lao động phải mất nhiều thời gian đào tạo lại cho các sinh viên mới ra trường.
2. Các sinh viên chỉ dành thời gian chuyên chú cho việc học để thi, và do đó, khi không có kỳ thi nào, các em không biết làm việc gì khác.
3. Những người trẻ chưa sẵn sàng đón nhận thực tế là họ có thể phải chấp nhận làm những công việc tạm thời hoặc không ổn định; bên cạnh đó, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quyết định nên đầu tư công sức của mình vào đâu..
Cần lưu ý rằng những vấn đề này không chỉ giới hạn ở riêng một quốc gia nào như Trung Quốc hay Việt Nam. Chúng tác động tới sinh viên khắp nơi trên thế giới, và vì vậy, không nên phê bình các em ở góc độ cá nhân.
Các sinh viên đại học luôn có những khó khăn trong việc xác định con đường đi của mình. Các em cần có thời gian cũng như cần được đào tạo để học cách thực hiện hành trình đó sao cho có hiệu quả.
Nên sử dụng loại hình đào tạo nào? Đây chính là lúc tư duy phê phán thể hiện vai trò của mình. Vì tư duy phê phán là một loại hình tập luyện trí óc tổng thể, nên nó không giới hạn ở một nội dung cụ thể nào - cũng tương tự như việc rèn luyện "khả năng phối hợp cơ bắp" không liên quan tới một môn thể thao đơn lẻ nào.
Tuy nhiên, nó cũng không phải là một khẩu hiệu chung chung. Những sinh viên được rèn luyện lối tư duy phê phán - cho dù các em đang theo học chuyên ngành gì đi chăng nữa - thường đặt ra cho mình hai câu hỏi trọng tâm sau đây:
1. Các thầy cô dạy mình tin tưởng vào điều gì, và đâu là lý do họ đưa ra để mình tin tưởng vào điều đó?
2. Mình có những lý do gì để đồng ý với điều này mà không đồng ý với điều kia?
Từ hai câu hỏi cơ bản này kéo theo rất nhiều thách thức. Thứ nhất, các em phải chắc chắn rằng mình thực sự hiểu rõ về kiến thức đang được giảng dạy (và không chỉ học thuộc hay nhắc lại các kiến thức đó). Thứ hai, các em phải nhận thức được các lý do giải thích cho những cảm xúc của mình (không chỉ đơn giản là những lý do phù hợp nhất với bản thân lúc đó, hay những gì mà các em vẫn quan niệm từ trước).
Xét từ góc độ này, tư duy phê phán không mang thành kiến. Nó không đòi hỏi ai phải chấp nhận một nhãn quan cụ thể nào về chính trị, xã hội, hay triết học. Thay vào đó, nó yêu cầu người ta phải cẩn thận, cân nhắc, và hiểu biết về các quan điểm của mình.
Thế nhưng, ai cũng biết rằng các sinh viên đại học không phải lúc nào cũng nhận thấy rằng tư duy phê phán là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên - và đây cũng là câu trả lời của tôi dành cho các đồng nghiệp Trung Quốc - một sinh viên sẽ không nhận được lợi ích gì khi không thể suy nghĩ chín chắn về hoàn cảnh hiện tại của mình. Thậm chí dù các em có cảm thấy bất mãn hay buộc lòng phải chấp nhận hoàn cảnh, thì xét về lâu về dài cũng không có ích gì cho cả các em và xã hội khi các em không thể sử dụng kiến thức đã học để quyết định con đường đi phù hợp nhất cho mình trong tương lai.
Thực ra, sẽ là sai lầm nếu cho rằng tư duy phê phán là nguyên nhân gây ra tâm lý bất mãn và không hài lòng. Những cảm xúc này phát sinh từ phản ứng tự nhiên của con người trước những hoàn cảnh mà họ đang gặp phải.
Vai trò của tư duy phê phán ở đây là giúp con người phản ứng lại một cách chủ động và hợp lý đối với những cảm xúc của mình.
Tóm lại, tôi cho rằng đầu tư vào đào tạo phương pháp tư duy phê phán cho các sinh viên đại học và tầng lớp công nhân trẻ là một hành động khôn ngoan. Để làm được điều này cần phải bỏ ra thêm nhiều thời gian và nỗ lực, đồng thời nó cũng đòi hỏi các thanh niên phải tham gia vào những nhiệm vụ không liên quan trực tiếp tới việc thi cử hay học tập vì một nghề nghiệp cụ thể nào.
Có vẻ như đây là một sự thiếu kỷ luật. Nhưng hãy nghĩ về áp lực cạnh tranh toàn cầu mà các sinh viên Việt Nam phải đối mặt. Số lượng sinh viên Trung Quốc tại các "khu công nghiệp" giáo dục hiện đã lên tới hàng chục nghìn người, và họ đang được đào tạo theo những phương pháp tiến bộ nhất.
Sinh viên tại các trường đại học phương tây thì hiện đang có trong tay nhiều lợi thế hơn bao giờ hết. Do đó, sinh viên Việt Nam sẽ đạt được những thành công cao nhất nếu các em có thể hoạt động trong bối cảnh toàn cầu như thế này. Và tư duy phê phán sẽ giúp các em thực hiện được điều đó.
Nhưng, theo như tôi biết thì nhu cầu phát triển tư duy phê phán thậm chí còn đi xa hơn nữa. Chẳng bao lâu nữa, dân số Việt Nam sẽ đạt con số 90 triệu người. Cho dù còn bao nhiêu người đang sống ở nông thôn, nhưng chẳng khó mà nhận ra rằng các thành phố sẽ ngày một đông đúc hơn, cuộc cạnh tranh giành các công việc có mức lương hấp dẫn sẽ ngày một khốc liệt hơn, và các nhu cầu của xã hội cũng ngày một phức tạp hơn.
Vì vậy, cần phải đầu tư thời gian đào tạo cho sinh viên cách suy nghĩ kỹ lưỡng về những quyết định của mình và đánh giá tác động của những quyết định đó trong hiện tại cũng như tương lai. Các lãnh đạo quân sự phải được đào tạo cách nhận lấy trách nhiệm trong những tình huống cực kỳ nguy hiểm; tương tự như vậy, các sinh viên đại học cũng phải được đào tạo cách tư duy phê phán để có thể đảm đương những trọng trách lớn lao đang chờ đợi các em.
Trên thực tế, các quyết định mà thế hệ sinh viên này đưa ra sẽ là yếu tố quyết định tương lai của xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét