20/1/13

Soạn bài thuyết trình: Chọn đề tài


Với nhiều người, chuyện chọn một đề tài thuyết trình lắm khi cũng giống như việc bắn đi một mũi tên mà chả thèm nhắm hướng, với hy vọng rằng nó sẽ trúng cái đích mình muốn. Nếu chơi kiểu đó, bạn sẽ sớm thất vọng thôi.

Đề tài – và, cụ thể hơn, thông điệp cốt lõi của bạn – phải được chọn lựa sao cho cẩn thận, nghiêm túc. Nếu không, bạn sẽ không tài nào đủ sức trình bày hiệu quả bài thuyết trình của mình, và người nghe sẽ không thấy hứng thú quan tâm, không sẵn sàng đón nhận thông điệp bạn truyền tải.
Và đây là câu hỏi: Bạn làm cách nào để chọn được một đề tài “ngon ăn”?

Đích tổng quát của bạn?

Có ba loại bài thuyết trình căn bản:
  1. Kiểu Giáo dục: Chẳng hạn, một buổi hội thảo về việc đầu tư bất động sản; một khóa học về lãnh đạo, v.v.
  2. Kiểu “vặn cót tinh thần”: Chẳng hạn, bài nói tranh cử của một ứng viên; một bài nói gây quỹ; một bài nói kêu gọi đầu tư kinh doanh, v.v
  3. Kiểu Giải trí: Một câu chuyện đọc cho trẻ em nghe; một truyện cổ tích, kịch tính; một bài nói góp vui trong buổi tiệc.
Bạn phải xác định bài thuyết trình của mình thuộc kiểu nào, coi đó như cái đích tổng quát bạn cần đạt đến. Việc xác định cái đích tổng quát này sẽ ảnh hưởng đến nhiều đến các quyết định bạn đưa ra khi bạn soạn bài nói của mình.

Thông điệp cốt lõi là gì?

Thông điệp cốt lõi của bạn là ý tưởng chủ đạo của bài thuyết trình. Mọi yếu tố khác đều tập hợp xoay quanh và hỗ trợ cho thông điệp cốt lõi này.
  • Rõ ràng: Bạn phải tóm được thông điệp cốt lõi của mình trong một câu duy nhất. Nếu chưa làm được, phải nói ngay là thông điệp ấy chưa rõ ràng. Thông điệp không rõ ràng, tức là bạn không hiểu rõ ràng thông điệp. Không nắm rõ thông điệp thì còn nói cái gì?
  • Nhiệt tình: Thông điệp cốt lõi phải là thứ gì đó bạn tin tưởng và thích thú, có “lửa” để nói.
  • Hiểu biết: Bạn biết những gì về thông điệp cốt lõi ấy? Bạn có thể rút ra các câu chuyện từ những trải nghiệm cá nhân hay không? Bạn có dành thì giờ để nghiên cứu kỹ lưỡng đề tài chưa?
Nhiều diễn giả thích nghĩ rằng toàn bộ bài thuyết trình của họ sẽ được người nghe nhớ đến trăm phần trăm. Thực tế là người nghe sẽ nhớ được chỉ một hay hai điểm chính nào đó thôi. Thành ra, bạn phải tổ chức bài thuyết trình làm sao đó để người nghe bạn dễ dàng nắm và nhớ được thông điệp cốt lõi bạn muốn trình bày.



Thông điệp bạn chọn liên quan gì đến người nghe?

Người nghe nào phải kẻ ngoại cuộc ngây thơ, chỉ biết xách mông vào phòng rồi ngồi yên đó nghe bạn nói. Trái lại, họ là một thành phần không thể thiếu của buổi thuyết trình. Bạn trình bày xuất sắc không thôi thì chưa đủ để đảm bảo buổi thuyết trình thành công. Một buổi thuyết trình thành công khi người nghe lĩnh hội được thông điệp.
Phân tích người nghe là việc làm cần thiết để xác định đâu là thông điệp người nghe sẵn sàng đón nhận từ bạn:

Đâu là đối tượng người nghe chủ đạo?

Họ là dân kỹ thuật hay không phải kỹ thuật? Sinh viên? Người lớn tuổi? Phụ huynh? Vận động viên? Các lãnh đạo doanh nghiệp? Đa số là nam giới hay nữ giới?

Người nghe có liên hệ gì với bạn?

Người nghe là dân cùng học với bạn? Là cộng sự? Là cấp trên? Bạn không quen biết ai? Họ biết bạn, xem bạn là chuyên gia? Không ai quen biết bạn?

Số lượng người nghe?

Số người vừa đủ để ai nấy cũng nhìn rõ mà thấy mồ hôi tứa ra nơi chân mày bạn? Hay một hội trường lớn? Một sân vận động? Người nghe ngồi cả trong phòng, hay có kẻ trong người ngoài (theo dõi qua màn hình ngoài phòng)?

Đâu là thông điệp người nghe muốn nhận?

  • Điều này cũng quan trọng như chuyện bạn xác định thông điệp cốt lõi cần trình bày vậy.
  • Nếu tràn đầy cảm xúc, nhưng bạn nói ra điều người nghe chẳng mấy quan tâm, buổi nói của bạn sẽ thất bại.
  • Nếu bạn nói ra trúng điều người nghe muốn đón nhận, nhưng bạn không có cảm xúc hay nhiệt tình, buổi nói của bạn cũng thất bại luôn.
  • Nếu bạn cố trình bày một đề tài mình chẳng hiểu biết gì mấy hoặc không có kinh nghiệm để chia sẻ lại, buổi nói của bạn cũng thất bại.
  • Tuy nhiên, nếu chọn được một đề tài bạn vừa có kiến thức, kinh nghiệm và cảm xúc, và vừa được người nghe quan tâm, tất bạn sẽ thành công.

Bạn có bao nhiêu thời gian để nói?

Giả sử thông điệp cốt lõi của bạn là “Dám thành công” Nếu bạn có hai phút, thì phạm vi bài nói có lẽ chỉ cần xoay quanh một câu chuyện nhỏ minh họa cho thông điệp đó. Tuy nhiên, nếu có bốn giờ để trình bày đề tài này, có lẽ bạn phải nghiên cứu chi tiết tiểu sử của những người nổi tiếng đã can đảm và liều lĩnh tiến lên trên con đường công thế nào, bàn sâu về các phương pháp để nuôi dưỡng ước mơ cũng như các kỹ năng hành động để thành công,…
Chọn đề tài là việc cơ bản và quan trọng nhất khi thuyết trình. Bạn cần phải cân nhắc giữa sở thích, sở trường của mình và nhu cầu của khán giả.

Nếu bạn muốn rèn luyện thêm nhiều chi tiết khác, hãy tham dự khóa học Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp của S-WAY VIỆT NAM để được huấn luyện và hỗ trợ bởi các chuyên gia, diễn giả hàng đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét