20/9/13

GS TS Nguyễn Đình Cống bàn về tranh luận-1


Một số bạn hỏi khi có ý kiến bất đồng thì có nên tranh luận đến cùng hay không . Nhận thấy đây là vấn đề nhiều bạn quan tâm nên tôi xin trình bày một số quan điểm cá nhân để các bạn tham khảo.

Tuổi trẻ thường thích tranh luận. Hồi tôi còn trẻ cũng thế. Tranh luận cũng như người ta đá bóng vậy, cốt tranh phần thắng về mình. Sau khi tranh luận, nếu thắng thì mặt mày hớn hở, tự hào tự phụ vì đã thắng được đối phương, nếu thua thì cay cú, tức giận, buồn bực… và nghĩ tìm cách trả thù. ( Và như vậy khi mình thắng người ta thì chắc người ấy cũng tìm cách trả thù mình ! ).



 Càng lớn lên tôi thấy rằng giữa chốn bạn bè càng bớt tranh luận càng tốt và sẽ tốt hơn nếu không tranh luận gì cả., mà chỉ nên thảo luân hoặc trao đổi ý kiến ( còn giữa những kẻ thù địch , ở toà án hoặc khi cần tranh chấp quyền lợi thì lại là chuyện khác ) Nhưng khi 2 người có ý kiến trái ngược nhau mà không tranh luận thì làm sao biết được Ai đúng, Ai sai.
Có 2 vấn đề được đặt rà là 1- Thế nào là đúng, thế nào là sai. 2- Mục tiêu của tranh luận là gì ( Thế nào là đúng hay ai đúng ).


1- Thế nào là đúng? Trong khoa học ( đặc biệt là toán học ) thì phải nêu các luận cứ để chứng minh một cách chặt chẽ, trong suy luận thì phải nêu các phán đoán làm tiên đề và việc suy luận phải tuân theo các quy tắc lôgic. Khi tuân thủ đầy đủ các điều trên thì kết luận được chấp nhận, còn không thì không được chấp nhận. Còn trong cuộc sống ( kể cả một số vấn đề trong triết học ) thì nhiều khi rất khó phân biệt vì cái đúng hay sai chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu, nhận thức, hoàn cảnh của mỗi người ( Chủ thể nhận thức ). 

Trong triết học vấn đề giữa duy tâm và duy vật đã kết thúc đâu. Người theo duy vật thì cho duy vật là hoàn toàn đúng, duy tâm là sai cơ bản…nhưng người theo duy tâm thì phản bác trở lại. Người theo duy vật thì cho vật chất có trước, ý thức có sau. mọi thứ đều là vật chất nhưng người theo duy tâm thì cho là ý thức có trước, cái nào đúng, cái nào sai, đến bây giờ vẫn chưa khẳng định. Trong cuộc sống có nhiều vấn đề mà nói thế này là đúng nhưng nói ngược lại ( ngược 180 độ ) vẫn đúng. Đó là đúng với ai, đúng trong trường hợp nào ? Thí dụ trung thực và lừa…

Trong khoa học, trong giáo dục, trong tình bạn thì trung thực là cần, là đúng nhưng trong chiến trận, trong đá bóng thì cần lừa được đối phượng. A cho rằng kiếm được đồng nào, tụ tập bạn bè ăn chơi là sướng còn B cho rằng cần tiết kiệm, kiếm được đồng nào cần tích luỹ để có vốn mới là sướng. A cho rằng trong thời gian ở trường cần tập trung toàn thì giờ cho việc học còn B cho rằng nên kết hợp học và đi làm. A cho rằng với tuổi trẻ thì tình yêu là quan trọng còn B lại cho là công việc quan trọng hơn. A cho là con gái phải giữ trinh tiết cho đến khi cưới chồng còn B cho là việc đó không cần thiết….Thế nào là đúng ? Cả hai quan điểm đều có phần đúng và có phần chưa đúng. Đúng cho người này, trong hoàn cảnh này, chưa đúng cho người kia, trong hoàn cảnh khác. 

Trong cuộc sống, mỗi người do một số nguyên nhân nào đó mà hình thành nên hệ thống giá tri ( Cái gì là đáng quý - xếp theo thứ tự quý nhất, quý nhì, ba , tư, năm….) Có người cho là sức khoẻ, người cho là tiền bạc, người cho là tình cảm, người cho là kiến thức, người cho là địa vị xã hội…..Chính cái thang bậc giá trị chi phối hành động và nhận thức của người ta. Trong cuộc sống cái đúng, cái sai chỉ là tương đối, anh có nhận thức của anh, tôi có nhận thức của tôi, anh cho thế này là đúng, tôi cho thế kia mới là đúng. Vậy trong cuộc sống cái đúng, sai không phải cho mọi người mà cho một số người nào đó. Trong cuộc sống rất khó ( và hầu như không thể ) làm việc gì mà đều có lợi cho tất cả mọi người, hễ có lợi cho loại người này thì có hại cho loại người khác. người được lợi cho là đúng, người bị hại cho là sai. Người ta đòi hỏi công bằng nhưng sẽ rất khó có công bằng tuyệt đối. Theo tôi công bằng là làm sao mình có lợi hơn người khác ( dù chỉ chút xíu ), Vậy bạn muốn thực thi công bằng để người khác thấy được thì bạn phải chịu thiệt đi một chút.

Về việc phân biệt đúng sai, trong triết học, đó là trường phái “ Nhị nguyên “, muốn chia sự vật thành 2 mặt đối lâp ( Không thế này thì phải thế kia…). Trường phài “ Nhất nguyên “ cho rằng sự vật vốn không có gì sai, không có gì đúng. Cái đúng hoặc sai chỉ là do nhận thức của từng người mà mỗi người lại bị hệ thống giá trị chi phối.. Vậy thì trong cuộc sống tranh luận đúng sai mà làm gì, mỗi người có quan điểm của mình, họ vần giữ quan điểm đó cho đến khi nào mà họ chưa tự nhận ra nó không còn phù hợp, người ngoài không thể áp đặt, không thể bằng lý lẽ để bắt người ta thay đổi quan điểm đâu, Nếu trong tranh luận người ta không đủ lý lẽ để cãi lại mà chịu thua thì họ chỉ chịu thua bề ngoài chứ không tâm phục khẩu phục.. 


Vậy khi bạn bè có ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề thì nên làm gì ? Nên bình tĩnh lắng nghe bạn trình bày cho hết, cho cặn kẽ ý kiến của bạn để xem trong đó mình có thể chấp nhận được cái gì, sau đó trình bày quan điểm của mình cho bạn nghe ( nếu bạn muốn nghe, còn nếu bạn không muốn nghe thì thôi ), mình trình bày quan điểm để bạn tham khảo chứ không áp đặt. Bạn đừng bao giờ có ý tưởng ( xuất phát từ lòng tốt ) là có thể thay đổi được người khác theo ý mình. Bạn chỉ có thể có ảnh hưởng đến người khác để họ tự thay đổi theo ý họ ( trùng với y mình)

(Còn nữa)

GS TS Nguyễn Đình Cống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét