2/10/13

"Phó giáo sư cũng phải học...thuyết trình"


Hôm qua, tôi tham gia một khóa đào tạo tại KS Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, của Cục xúc tiến thương mai, chủ đề "Thương hiệu: từ tư duy chiến lược tới kế hoạch thực hiện" do PGS, TS Nguyễn Quốc T., Giảng viên bộ môn Xây dựng thương hiệu, Đại học Thương Mại.




Bài giảng của thầy rất cuốn hút, vì những kiến thức "cơ bản" (theo lời thầy) rất hữu ích với chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Trước khi nghỉ giữa giờ dùng trà, thầy hỏi cả lớp rằng, anh chị có ý kiến đóng góp gì cho tôi không, cả về nội dung lẫn cách trình bày, ví dụ có nhanh quá hay không. Cả lớp không ai có ý kiến.

Giờ nghỉ, thấy thầy ngồi uống trà một mình, tôi có lại cảm ơn thầy, cũng như trình bày băn khoăn của tôi trong quá trình xây dựng thương hiệu S-WAY.
Sau đó, tôi nhỏ nhẹ:
- Thừa thầy, nếu thầy cho phép thì em xin mạn phép góp ý với thầy vài điều nho nhỏ về phần trình bày vừa rồi.

Được thầy vui vẻ đón nhận, trước hết tôi chỉ cho thầy một vài chỗ thầy còn nhầm N-L, thầy bảo cha mẹ sinh ra vậy, tôi chưa sửa được. Cái này có lẽ em chỉ cho tôi sau nhé.
Tiếp theo là đôi tay, thầy đưa ra chưa dứt khoát, và cánh tay hơi khép vào nách. Tôi khuyên thầy nên để cánh tay cách sườn khoảng 1 gang tay. Đồng thời bàn tay thẳng ra, vung dứt khoát và rộng hơn một chút.
Rồi đến giọng, tôi rất thích giọng chân chất của thầy, gần gũi vô cùng. Nhưng tôi có khuyên thầy nói chậm lại đôi chút, và tròn vành rõ chữ hơn, tránh nói nhanh liên tục nghe như "chì chiết" (nói đến từ này cả 2 thầy trò đều cười)
Cuối cùng, tôi đề xuất mong muốn khi nhắc đến các ví dụ thương hiệu, thầy nói rõ tên, trường hợp thành công hay thất bại luôn để cả lớp hiểu, cùng phân tích, tranh luận và từ đó rút ra các bài học.
Nghe xong, thầy bắt tay và cảm ơn. Hẹn một ngày gần để trao đổi thêm về phần thuyết trình.

Thú thật, tôi góp ý bằng tất cả sự mến mộ, khiêm nhường. Nhưng thuyết trình trước đám đông là một thói quen, sửa không thể dễ dàng được.

Nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra.
Ngày khi vừa bước vào phần 2 của buổi học, thầy đã chia sẻ ngay là  có một anh (chỉ vào tôi), làm đào tạo, vừa góp ý cho tôi như vầy như vậy, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện, riêng nói ngọng cha mẹ sinh ra như vậy tôi chưa sửa được.
Và đúng như lời thầy nói, kể từ lúc đó, bàn tay thầy đã thẳng, các ngón khép lại với nhau hơn, vung tay dứt khoát và linh động hơn, cánh tay thoáng hơn so với lúc trước.
Tôi để ý, thầy cũng nói tròn đầy và chậm hơn.
Đặc biệt, trong nửa buổi học đầu, thầy chỉ nhắc đến 1,2 ví dụ đã nhắc tới trong các cuốn sách về tai nạn thương hiệu. Nhưng nửa buổi sau, thì đã có hơn 10 ví dụ trường hợp thương hiệu được đưa ra mổ xẻ, từ Trung Nguyên tới NesCafe, từ taxi Sao Mai tới Cafe Buôn Mê Thuột,...

Tôi rất ngạc nhiên, và cũng nhận lại cho mình những bài học nhỏ thú vị: Góp ý đúng cách, tiếp nhận phản hồi tích cực, và ứng dụng ngay điều vừa nghe để hoàn thiện bản thân.

Chỉ là lần gặp đầu với PGS TS Nguyễn Quốc T., nhưng rất ấn tượng với thầy không chỉ về kinh nghiệm thương hiệu, mà còn ở lòng cởi mở, sự gần gũi của thầy.

Và đúng như thầy nói vui: Phó giáo sư cũng phải học...thuyết trình chớ!

- Đặng Duy Linh -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét